37 vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến sắt thép

27/06/2018 02:44 - 1137 lượt xem

Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại Trong đó, có 78 vụ kiện chống bán phá giá thì chiếm tới 37 vụ là liên quan đến sắt thép.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.

Điều đáng lưu ý, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm 1/2 số vụ kiện. Điều tra chống trợ cấp thì lớn hơn, chiếm gần 3/4 các vụ kiện là liên quan đến mặt hàng sắt thép.

Còn trong tổng số 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế có 16 vụ các nguyên đơn nghi ngờ là hàng hóa từ Trung Quốc (đang bị áp thuế chống bán phá giá cao) được hợp thức hóa qua các cơ sở tại Việt Nam để lẩn tránh thuế trước khi xuất đi.

Nguyên đơn cho rằng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thực ra là sản xuất từ nước khác, đang bị đánh thuế cao hơn, hợp thức hóa qua Việt Nam để đi đến nước thứ ba nhằm lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam tránh thuế cao.

Mỹ là một trong những bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là nơi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và điều tra chống lẩn tránh thuế nhất trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá nhất là ở Mỹ chiếm khoảng 20% tổng số các vụ việc, đứng thứ 2 là Ấn Độ; Thổ Nhĩ Kỳ và Australia đứng thứ 3 với 7 vụ điều tra...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam mới chỉ là nguyên đơn 3 vụ kiện chống bán phá giá cũng là kiện các sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan. Đã có 3 biện pháp áp thuế cao cho các vụ kiện này.

Ngoài ra, 6 vụ kiện khác đã được Việt Nam khởi xướng đối với hàng hóa nhập khẩu mang tính kiện tự vệ để bảo vệ hàng hóa trong nước. Trong số này có hai vụ kiện tự vệ đối với mặt hàng thép, phân bón, bột ngọt, dầu thực vật, kính.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năng lực sản xuất của ngành thép trong nước hiện đạt khoảng 30 triệu tấn/năm. Xuất khẩu toàn ngành thép trong năm 2017 đạt 5,5 triệu tấn, tăng 28,5% so với năm 2016, đem về 3,643 tỷ USD, tăng 45,4%, còn 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sắt thép đạt 2,36 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, tăng 41,9% về lượng và tăng 57,8% về trị giá.

Khi tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã khiến các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn để bảo hộ sản xuất trong nước.

Nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu hoặc sụt giảm mạnh giá trị xuất khẩu là hiện hữu đối với các doanh nghiệp có mã sản phẩm bị áp thuế trong các vụ kiện chống bán phá giá.

Đơn cử như ngành sợi, thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho thấy, kim ngach xuất khẩu xơ sợi sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lao dốc nghiêm trọng, giảm 50% về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu do nước này áp dụng biện pháp tự vệ với sợi nhập khẩu từ Việt Nam.

Sau một thời gian bị áp thuế, xuất khẩu xơ, sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống dần theo từng năm từ mức 138.000 tấn, trị giá 321 triệu USD năm 2013 xuống 71.000 tấn, trị giá khoảng 161,9 triệu USD năm 2017, giảm khoảng một nửa so với năm 2013.
Nguồn: Báo Đầu tư
Quảng cáo sản phẩm