50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm, VCCI tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ

10/04/2020 12:00 - 420 lượt xem

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch Covid-19 đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp.

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.

Cụ thể, 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì gần 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Trước tình hình này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt.

Do vậy, VCCI đã tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, VCCI mong muốn trong điều kiện dịch bệnh đang được kiểm soát tương đối tốt như hiện nay, trừ một số ngành/lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

VCCI cũng đề nghị giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh không thể vào Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo yêu cầu quy định.

Về chính sách tài khóa, VCCI kiến nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể vì quá trình hướng dẫn thực hiện còn có độ trễ, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng.

Đồng thời với việc cho phép chuyển lỗ cho 5 năm tiếp theo, VCCI đề nghị cho phép khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019. Điều này cho phép doanh nghiệp chi trả nộp thuế trong vòng 2 năm 2019-2020 và giúp tránh phá sản cho những doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm 2019 nhưng lại thua lỗ nhiều trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về chính sách tín dụng, các doanh nghiệp cũng kiến nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3%/năm đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5%/năm đối với khoản vay VND và 2-3%/năm đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.

Cùng với đó, VCCI cũng đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021; tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020…

Về chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt nặng nề bởi dịch Covid-19, VCCI đề nghị trong lĩnh vực du lịch, đề xuất cho phép dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2020 để có thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoặc giảm 50% tiền ký quỹ du lịch, trước mắt cho năm 2020.

Liên quan đến lĩnh vực logistics, VCCI đề xuất giảm phí cảng biển về mức 50% trong năm 2020 và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các hãng tàu nước ngoài yêu cầu giảm thu các phụ phí quá cao và bất hợp lý như hiện nay. Trong lĩnh vực vận tải đường bộ đề nghị giãn thời gian thu phí để giảm chi phí BOT.

Mặc dù đưa ra hàng loạt kiến nghị, nhưng Chủ tịch VCCI vẫn cho rằng, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển.

Hơn nữa, trong thời gian “hậu Covid-19”, theo ông Vũ Tiến Lộc, nền kinh tế sẽ tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh nên Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Do đó, cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực sẽ là bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên.

Nguồn: Báo Hải Quan

Quảng cáo sản phẩm