6 tháng đầu năm, GDP nông nghiệp cao nhất trong 10 năm qua

29/06/2018 04:42 - 1181 lượt xem

Sáu tháng đầu năm 2018, năng lực sản xuất của toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh; tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra và đạt mức cao. Dự kiến, GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng từ 3,95 - 4,05%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành nông nghiệp diễn ra sáng 28.6 tại Hà Nội.

Giá lúa gạo Việt Nam vượt Thái Lan, Ấn Độ

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6.2018 ước đạt 3,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo, rau quả, điều, thủy sản. Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su); Trung Quốc (đối với rau quả, cao su, thủy sản); Đức (đối với chè, thủy sản, hạt điều); Malaysia (đối với gạo, chè); Iraq, Hongkong, Philippines (đối với gạo); Saudi Arabia (đối với chè); Mỹ (đối với hạt điều, rau quả, gạo); Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu).

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6.2018 ước đạt 604.000 tấn, đạt giá trị 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trong tháng 6.2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm nhưng giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 450 USD/tấn, cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn.

Thủy sản là một trong những ngành hàng có bước tăng trưởng nổi bật, ông Nguyễn Ngọc Oai - Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ: “Thời tiết trên các ngư trường khá thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Cùng với đó, Bộ và các địa phương đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất; tiếp tục bồi thường thiệt hại, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển... nên hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, do giá cá tra, tôm sú duy trì ở mức cao, thị trường tiêu thụ ổn định nên hoạt động nuôi trồng tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1,79 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ”.

Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp cũng có chuyển biến rõ rệt, có nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp giá trị cao, mô hình kinh doanh gỗ lớn. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thị trường gỗ nội địa có những chuyển biến và khởi sắc.

Nói về hướng đi sắp tới của ngành lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ. Cùng với đó, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế. Lấy các doanh nghiệp mạnh hiện có làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu”.

Các ngành khác như chăn nuôi, trồng trọt nhìn chung đều có bước tăng trưởng tốt. Sản xuất chăn nuôi nhìn chung thuận lợi, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm ổn định. Trồng trọt tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả (đã chuyển 32.800ha đất lúa) sang trồng các loại rau, quả, cây công nghiệp lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sẽ cán mốc 41 tỷ USD

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Toản – quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 của các mặt hàng nông sản chủ lực khá tốt. Một số mặt hàng như rau quả, thủy sản vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực của năm 2017.
Một số mặt hàng có những dấu hiệu phát triển khởi sắc như gỗ, chè hướng đến chất lượng cao và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó giá trị đồng USD đang có xu hướng tăng lên, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu.

Kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh hết sức khả quan. Kết quả này sẽ là tiền đề, tạo đà cho sự phát triển những tháng cuối năm, khả năng toàn ngành sẽ đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, tuy nhiên Bộ NNPTNT vẫn cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, ngành sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về thiên tai và lớn nhất là nguy cơ thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường lớn cạnh tranh cao, xu hướng các nước dựng lên các hàng rào bảo hộ... Bên cạnh đó, nguy cơ rủi ro về dịch bệnh khi sức sản xuất lên cao.

Chính vì thế, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, các đơn vị cần vừa tập trung tháo gỡ thị trường vừa mở thị trường mới. Mặt khác, khâu sản xuất làm sao phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, các quy trình thủ tục, thanh tra chuyên ngành cần phải giảm đầu mỗi, giảm bớt thủ tục. Một lô hàng chỉ làm ở một đầu mối để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp.

Nói về mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tự tin khẳng định, nếu không xảy ra biến động lớn về thiên tai và thị trường, toàn ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay.
Nguồn: Báo Dân Việt
Quảng cáo sản phẩm