96% kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam là hàng may mặc

25/08/2008 09:14 - 1297 lượt xem

Tháng 5, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ tăng nhẹ so với tháng trước. Trong đó, nhập khẩu tăng mạnh từ Trung Quốc, tăng 14,5% và nhập khẩu từ Việt Nam chỉ tăng nhẹ 6,9% - thấp hơn so với mức 14% của tháng trước.

5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam đạt 1,983 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc đạt 1,905 tỷ USD, chiếm tới 96% tổng kim ngạch. Nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 5. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ trong tháng 5/2008 tăng 6,7% về lượng và tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ tháng trước và giảm 6% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7,27 tỷ USD, tương đương với 4,2 tỷ m2 quy đổi.  

Trong đó, hàng may mặc nhập khẩu chiếm 45% về khối lượng và chiếm tới 75% về trị giá nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ.

Trong tháng 5/2008, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ tăng khá là do nhập khẩu từ Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc tăng. Đặc biệt là nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh trở lại. Khối lượng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Trung Quốc tăng 14,7% so với tháng trước. Khối lượng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Pakistan và Hàn Quốc cũng tăng lần lượt 13,2% và 14,8% so với tháng 4. Trong khi đó, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam tăng nhẹ, tăng 6,1%. Và khối lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ từ các thị trường Mexico, ấn Độ, Canada, Indonesia, Băngladesh… giảm so với tháng 4/2008.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đã giảm 4,08% về lượng và giảm 2,84% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 35,9 tỷ USD, tương đương với 20,1 tỷ m2 quy đổi. Trong đó, hàng may mặc nhập khẩu giảm 3,41% về lượng và 3,84% về trị giá, đạt 8,5 tỷ m2 và 26,9 tỷ USD.

Do khối lượng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Trung Quốc trong tháng 5 tăng mạnh nên tổng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 0,51% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 7,7 tỷ m2 quy đổi và 11,1 tỷ USD.

Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Pakistan 5 tháng đầu năm giảm 9,56% về lượng và 2,62% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2007. Khối lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ từ các nước như Mexico, Hàn Quốc, Canada cũng giảm khá mạnh trong thời gian này.

Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam trong tháng 5 đã tăng chậm lại, nhưng 5 tháng đầu năm vẫn tăng 25,51% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 677 triệu m2 quy đổi và 1,983 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Việt Nam chiếm 85% về lượng và chiếm 96% về trị giá đạt 1,905 tỷ USD và 577 triệu m2 quy đổi, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung của hàng dệt may, tăng 28,2% về lượng và 27,39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007. Với mức tăng trưởng cao trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ hai vào thị trường Mỹ.

Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ trong 5 tháng đầu năm

Thị trường

Lượng (triệu m2)

Trị giá (triệu USD)

Đơn giá NKTB (USD/m2)

Năm 2008

so 07 (%)

Năm 2008

so 07 (%)

Năm 2008

so 07 (%)

Thế giới

20.121,5

-4,08

35.933,3

-2,84

1,79

1,29

Trung Quốc

7.752,8

-0,51

11.135,5

-1,76

1,44

-1,26

Pakistan

1.199,2

-9,56

1.207

-2,62

1,01

7,67

Mexico

1.124,2

-12,41

2.036,3

-10,16

1,81

2,57

ấn Độ

1.200,4

0,33

2.352,2

1,89

1,96

1,55

Hàn Quốc

676,3

-20,2

460,2

-16,62

0,68

4,49

Canada

596,5

-32,08

751,1

-22,33

1,26

14,36

Indonesia

710,7

2,84

1.776,7

-0,99

2,50

-3,72

Việt Nam

677,7

25,51

1.983,6

26,4

2,93

0,71

Băngladesh

704,1

3,09

1.395,5

6,22

1,98

3,04

Honduras

508,4

10,24

980,6

1,03

1,93

-8,35

ĐàI Loan

429,7

-6,45

477,5

-8,87

1,11

-2,59

TháI lan

390

5,67

833,8

1,94

2,14

-3,53

Campuchia

354,7

3,68

969,4

2,94

2,73

-0,71

Salvador

344,7

10,06

603

6,63

1,75

-3,12

Thổ Nhĩ Kỳ

223,2

-15,83

389,3

-16,74

1,74

-1,08

Philipin

205,4

-12,62

622,5

-14,97

3,03

-2,69

Israel

228,6

17,93

173

-0,5

0,76

-15,63

Riêng đối với hàng may mặc nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam là nước đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, nổi trội hơn so với các nước khác như hàng may mặc nhập khẩu của Mỹ từ Honduras chỉ tăng 9,92%; nhập khẩu từ Băngladesh chỉ tăng 0,73%; nhập khẩu từ Indonesia chỉ tăng 3,16%; nhập khẩu từ Campuchia chỉ tăng 3,46%; nhập khẩu từ Salvador chỉ tăng 7,59% và nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 5,55%...

Mặc dù kinh tế Mỹ đã và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn có kết quả khá ấn tượng tại thị trường Mỹ. Trong khi tổng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ giảm và giảm nhập khẩu ở hầu hết các thị trường thì nhập khẩu hàng dệt may đặc biệt là hàng may mặc của Mỹ từ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Dự đoán, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục gặp thuận lợi trong những tháng cuối năm dựa trên một số nhận định dưới đây:

- Sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ là khá cao: Điều này thể hiện qua đơn giá nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam đạt trung bình 2,93 USD/m2 – rất cao so với đơn giá nhập khẩu trung bình chung (1,79 USD/m2) và cao hơn nhiều so với đơn giá nhập khẩu của Mỹ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc là 1,44 USD/m2; Indonesia là 2,5 USD/m2; Thái Lan là 2,14 USD/m2; Băngladesh là 1,98 USD/m2….

- Hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam lại có được lợi thế về tỷ giá hối đoái do đồng Việt Nam giảm giá so với đồng USD. So với đầu năm, tỷ giá của VND so với USD đã tăng trên 5%, còn so với các ngoại tệ khác mức tăng còn lớn hơn nhiều từ 10 – 15%. Như vậy, nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn khá rẻ so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.

- Thời gian xuất khẩu hàng dệt may mạnh nhất trong năm là vào các tháng cuối năm. Các mặt hàng dệt may Thu - Đông xuất khẩu nhiều và đem lại giá trị xuất khẩu cao hơn các mặt hàng Xuân – Hè.

- Các Bộ, ban ngành liên quan đều tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may như: các thủ tục liên quan đến thông quan hàng xuất được thực hiện nhanh chóng.

Bên cạnh những thuận lợi trên thì ngành dệt may Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế ảnh hưởng chung từ nền kinh tế thế giới. Lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng cao, các chi phí đầu vào tăng cao….cùng với đó là những biến động về lao động - đặc thù của ngành đang là những rào cản đối với ngành dệt may Việt Nam trong việc hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu của năm 2008. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, có sự đóng góp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp dệt may từ các cơ quan ban, ngành hy vọng ngành dệt may sẽ đạt được kết quả xuất khẩu cao nhất trong những tháng cuối năm.

08/08/2008

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn

Quảng cáo sản phẩm