Algeria sẽ tiếp tục hạn chế nhập khẩu

25/05/2020 12:00 - 412 lượt xem

Trước tình hình dịch bệnh và giá dầu khí xuống thấp, Chính phủ Algeria đặt mục tiêu giảm kim ngạch nhập khẩu từ 41 tỷ USD năm 2019 xuống còn 31 tỷ USD trong năm nay, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng thông thường và hàng có nguồn gốc động vật. Ngoài ra, Algeria sẽ mở rộng danh mục các mặt hàng nhập khẩu phải chịu thuế phòng vệ thương mại tạm thời.
 

Theo ông Aissa Bekkai, Bộ trưởng đặc trách ngoại thương Algeria, một văn bản mới về áp dụng Thuế phòng vệ bổ sung (DAPS) đang được hoàn tất sẽ cho phép bảo vệ sản xuất trong nước và giảm nhập khẩu.


Nhiều biện pháp đã được Bộ trưởng Thương mại đưa ra nhằm giảm nhập khẩu trong đó trước tiên là áp dụng Thuế phòng vệ bổ sung (DAPS) với mức dao động từ 30-200%.


Liên quan đến danh mục những mặt hàng có liên quan và tỷ suất áp dụng, ông Bekkaï cho biết "Chúng tôi đang hoàn tất văn bản liên quan đến công cụ phòng vệ thương mại này và việc soạn thảo sẽ không kéo dài. Bộ Thương mại đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, và căn cứ vào những số liệu mà các đơn vị này đưa ra sẽ ấn định tỷ lệ suất thuế phòng vệ phù hợp. Điều này sẽ cho phép chúng ta bảo vệ sản xuất trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và cân bằng một chút cán cân thương mại».


Cần nhắc lại rằng, danh mục hàng hóa nhập khẩu chịu DAPS được sửa đổi bởi Nghị định của Bộ Thương mại ban hành tháng 4/2019 đã loại bỏ khoảng 100 mặt hàng khỏi loại thuế này. Danh sách này bao gồm 992 mặt hàng chịu mức thuế DAPS với tỷ suất dao động từ 30% đến 120%, trong khi danh sách trước đây gồm 1.095 mặt hàng chịu các mức thuế từ 30% đến 200%.


Mặt khác, Bộ Thương mại cũng tính tới việc tổ chức hoạt động nhập khẩu sao cho chuyên nghiệp hơn.


Ông Aissa Bekkai nhấn mạnh "Giảm nhiều hơn những mặt hàng mà chúng ta đang nhập và nhập khẩu tùy theo nhu cầu trong nước (thực sự) là biện pháp thứ hai mà chúng ta sẽ áp dụng".


Ông Aissa Bekkai đã nêu ví dụ về bột mì, một sản phẩm do Nhà nước trợ giá. Theo một cuộc điều tra do các cơ quan thuộc Bộ Thương mại tiến hành, có 17.000 cửa hàng bán bánh mì đăng ký kinh doanh trong khi trên thực tế chỉ có 7000 cửa hàng hoạt động, sử dụng 2,8 triệu tấn lúa mì mềm nhập khẩu trong khi đó chúng ta nhập khẩu mỗi năm trên 5 triệu tấn.


Tổ chức hoạt động nhập khẩu bằng bộ thông số kỹ thuật mới


Ngoài ra, ông Aissa Bekkai cho biết là một bộ thông số kỹ thuật mới để tổ chức và quy định những hoạt động nhập khẩu đang được soạn thảo. Bộ Thương mại đã thảo luận về việc tổ chức và điều tiết hoạt động nhập khẩu. 


"Chương trình này được đưa ra sau khi chúng tôi chẩn đoán về tình hình cán cân thương mại cho thấy nền kinh tế quốc gia dễ bị tổn thương và phụ thuộc vào hai yếu tố: Đó là phụ thuộc vào thị trường bên ngoài để cung ứng cho thị trường nội địa và phụ thuộc vào nguồn lợi từ dầu lửa" - ông Aissa Bekkai chia sẻ.


Để sửa chữa những rối loạn chức năng này, cần phải đưa "tính chuyên môn hóa" vào hoạt động nhập khẩu bằng cách soạn thảo một bộ thông số kỹ thuật mới trong đó xác định những nghĩa vụ và trách nhiệm của các nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Tính chuyên môn hóa này không nhằm hạn chế hoặc cấm họ nhập khẩu hoặc xuất khẩu sản phẩm thuộc lĩnh vực của họ mà cần phải hoạt động với sự tôn trọng những quy định về tính minh bạch, cạnh tranh và chất lượng.


"Dự thảo bộ tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ cho phép chúng tôi có một ngân hàng dữ liệu đối với mọi hoạt động nhập khẩu" - ông Aissa Bekkai nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm