Áp dụng biện pháp tự vệ: người tiêu dùng chịu thiệt

24/03/2017 12:00 - 887 lượt xem

(TBKTSG) - Có dễ và có nên áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với ô tô nhập khẩu để hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước?

Nhà nước đã hỗ trợ những gì cho ngành công nghiệp ô tô?
Kể từ khi được xếp vào danh mục ngành công nghiệp mũi nhọn từ năm 2007, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ngoài việc được hưởng các ưu đãi về vốn, tín dụng, đất đai, còn được hưởng ưu đãi từ thuế.

Bên cạnh các ưu đãi về vốn, tín dụng, đất đai, còn được hưởng ưu đãi từ thuế: (1) Thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn, giảm); (2) Thuế nhập khẩu phụ tùng thấp, thuế nhập khẩu linh kiện CKD, IKD từ 0% đến mức khoảng 1/3 -1/2 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc; (3) Thuế giá trị gia tăng 5% áp cho nhóm phụ tùng, máy móc cho đến hết năm 2008; (4) Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc được đánh ở mức cao làm tăng mức độ bảo hộ xe lắp ráp trong nước 230-300%.
Như một hệ quả của các chính sách hỗ trợ này, hiện giá bán ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60-80%.

Khó áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại
Trong khi ngành công nghiệp ô tô trong nước còn rất nhiều hạn chế, khó khăn thì kể từ ngày 1-1-2018, theo cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu áp dụng đối với nhóm mặt hàng ô tô sẽ giảm xuống mức 0%. Trước tình hình đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, để áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại phải chứng minh được mức độ thiệt hại (thông qua 15 chỉ số khác nhau để đánh giá mức độ thiệt hại như doanh thu, lợi nhuận, sử dụng công suất, lỗ lãi, tình trạng tồn kho...) và phải chứng minh được diễn biến ô tô nhập vào Việt Nam khiến ngành sản xuất ô tô không lường trước được, bất ngờ, không kịp chống đỡ.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tham gia ATIGA từ năm 2005 với lộ trình giảm thuế rõ ràng, khó có thể nói là không lường trước được. Như vậy, sẽ tốn khá nhiều thời gian, nhân lực và vật lực để minh chứng được những điều trên. Nói chung là việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại là không hề đơn giản!

Những hệ lụy hậu... tự vệ thương mại
Hệ lụy đầu tiên là áp dụng biện pháp tự vệ thương mại sẽ làm tăng giá bán đối với các nguyên liệu, vật liệu đầu vào hay giá dịch vụ của ngành công nghiệp, dịch vụ khác. Một ví dụ điển hình là trường hợp mặt hàng phôi thép và thép dài trong vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mã số SG04. Chỉ với quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, giá thép đã tăng đột biến từ 10,3-10,7 triệu đồng/tấn lên đến khoảng 12,4-12,6 triệu đồng/tấn. Việc giá thép tăng mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản phải đối diện với hàng loạt khó khăn, bởi lẽ thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng và không thể thiếu đối với các công trình xây dựng.

Người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất vì áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại sẽ khiến cho nguồn cung trở nên khan hiếm hơn và giá cả sẽ có xu hướng tăng lên. Đơn cử, đối với trường hợp mặt hàng thép, theo ước tính, trung bình một căn nhà phố cần 10 tấn thép thì với mức tăng 2-2,5 triệu đồng/tấn, người tiêu dùng phải chi thêm 20 triệu đồng. Việc tăng giá thép cũng sẽ khiến cho giá bán bất động sản tăng từ 5-10% và không ai khác người dân lại là đối tượng phải gánh chịu toàn bộ chi phí gia tăng này.

Đặc biệt, bên cạnh những tác động đối với bản thân ngành được áp dụng biện pháp tự vệ thương mại, khi Nhà nước áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa của các nước nhập khẩu vào Việt Nam, các nước cũng có thể áp dụng các biện pháp để hạn chế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điển hình, đối với trường hợp của Ấn Độ mới đây, ngay sau khi nước ta ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu năm mặt hàng nông sản của Ấn Độ do nhiễm mọt gây dịch hại, Ấn Độ đã “trả đũa” bằng biện pháp ngừng nhập sáu loại nông sản của Việt Nam gồm hồ tiêu, cà phê, tre, sắn, quế và thanh long. Những người nông dân và doanh nghiệp đứng giữa sẽ phải gánh chịu hậu quả. Cũng may là vụ việc này đã được hai bên xử lý tương đối ổn thỏa thông qua việc ngưng áp dụng các quyết định đã được đưa ra hoặc điều chỉnh nó.
Trong thời gian rất dài, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc được đánh ở mức cao làm tăng mức độ bảo hộ xe lắp ráp trong nước 230-300%. Nếu áp dụng thêm biện pháp tự vệ thương mại với ô tô nhập khẩu, người tiêu dùng lại chịu thêm thiệt thòi.
Trước những hệ lụy của việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại, thay vì bảo hộ doanh nghiệp, Nhà nước có lẽ chỉ nên dừng ở mức độ tạo dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất trong nước. Nếu Chính phủ vẫn muốn hỗ trợ phát triển ngành ô tô, có lẽ Chính phủ nên tìm kiếm các biện pháp trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ trợ không chỉ cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam mà cả các doanh nghiệp lắp ráp trong khu vực. Đây có thể là biện pháp giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị của thế giới.
Nguồn: Thesaigontimes
Quảng cáo sản phẩm