ASEAN cần nỗ lực để đảm bảo AEC mang lại thịnh vượng cho khu vực

29/07/2015 12:00 - 1116 lượt xem

Tờ Manila Time của Philippines ngày 22/7 cho biết mặc dù Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được cho là khu vực kinh tế mạnh tiếp theo trong số các nền kinh tế toàn cầu, song một quan chức tài chính cấp cao cho rằng còn nhiều việc cần phải làm để đảm bảo sự hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu vào cuối năm nay sẽ thực sự làm cho ASEAN trở thành một khu vực mạnh mẽ và thịnh vượng hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Manila Times lần thứ hai tại Manila, ông Jose Isidro Camacho - Phó Chủ tịch ngân hàng Credit Suisse khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng sự hội nhập thực sự giữa các quốc gia thành viên ASEAN chưa được thể hiện đầy đủ tuy rằng đã đạt được cả một danh sách dài các thỏa thuận từ khi thành lập khối vào năm 1967.

Theo ông Camacho, cho dù thực hiện loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các hàng hóa, khu vực vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo thuận lợi cho thương mại, thống nhất thủ tục hải quan và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan để thực sự tạo ra một cơ sở sản xuất thống nhất. Sự hội nhập nên bao gồm cả việc loại bỏ các yêu cầu về thị thực đối với khách du lịch trong nội khối để khuyến khích sự tương tác lớn hơn, tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về du lịch và đầu tư, giống như những gì đã thấy được trong Liên minh châu Âu.

Ông Camacho cho biết khu vực này "gần như có" các mức thuế bằng không đối với hầu hết tất cả các hàng hóa, mặc dù còn nhiều việc cần làm đối với những hàng rào phi thuế quan. Về dịch vụ, có "tiến bộ rất ít" trong việc cung cấp các dịch vụ vận tải hàng không, y tế, du lịch và hậu cần. Về nguồn vốn, cần có một thị trường vốn hội nhập hơn cho khu vực. Về đầu tư, ông Camacho cho rằng chưa có tiến bộ về đầu tư, thậm chí còn thụt lùi ở một số nền kinh tế. 

Liên quan đến lao động có tay nghề cao, ông Camacho cho biết với những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau và trình độ giáo dục khác nhau giữa các thành viên ASEAN, sự luân chuyển hiệu quả lao động có tay nghề cao sẽ hữu ích trong việc triển khai đưa lao động có tay nghề dư thừa từ một nền kinh tế ASEAN này sang một nền kinh tế ASEAN khác. Nhưng trong thời gian gần đây vẫn còn những hạn chế đối với lao động nước ngoài ở một số nước ASEAN.

Tất cả những vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách cấp visa ASEAN để tạo điều kiện đi lại trong khu vực cho các cá nhân không phải là người ASEAN, và chấp nhận khái niệm ''công dân ASEAN." Việc cấp visa ASEAN sẽ liên kết thương mại, du lịch và đầu tư ở tất cả các nước thành viên, trong khi việc chấp nhận quốc tịch ASEAN có thể mang lại sự gần nhau hơn về kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN.

Trong vài năm tới, ông Camacho tin rằng ASEAN sẽ tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế nhờ một số xu hướng lớn không thể đảo ngược như tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong các nước thành viên, thị trường tiêu dùng ngày càng cải thiện, số lượng lớn cơ sở hạ tầng được xây dựng, sự gia tăng số cá nhân có tài sản lớn. Thêm vào đó, ASEAN có nguồn tài nguyên phong phú có thể làm cho khu vực này trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn cùng với sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia và các thương hiệu ASEAN.

ASEAN là một khu vực kinh tế với dân số hơn 600 triệu người, tạo ra tổng GDP khoảng 2.400 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP thế giới. Trong năm năm qua, khu vực này đạt tăng trưởng 5,6% mỗi năm./.
Ngày 26/07/2015
Nguồn: TTXVN
Tải tài liệu
ASEAN can no luc de dam bao AEC mang lai thinh vuong cho khu vuc
Quảng cáo sản phẩm