Bài học từ những sai lầm trong Chính sách nông nghiệp chung của EU

18/07/2008 12:00 - 1467 lượt xem

Điều phối viên về vấn đề cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc, John Holmes, cho rằng hệ thống trợ cấp nông nghiệp của châu Âu không nên cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới vốn đang phải vật lộn với giá lương thực đắt đỏ.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Michel Barnier nói rằng nhân tố căn bản đứng đằng sau Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) của Liên minh châu Âu (EU) là đảm bảo "tự cung tự cấp lương thực", và chính sách này có thể được dùng làm "mô hình tốt" để bảo vệ ngành nông nghiệp ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

 

Tiếp sau tuyên bố trên của ông Barnier là những tranh cãi về vấn đề nông nghiệp trong mấy tuần gần đây giữa Pháp và Ủy ban châu Âu (EC). Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói Ủy viên phụ trách thương mại của EU Peter Mandelson đang tìm cách hủy hoại chính sách trợ giá cho nông dân trong các vòng đàm phán hiện nay về tự do hóa thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trái lại, ông Mandelson, nhà đàm phán đại diện cho 27 nước thành viên EU, trong đó có Pháp, cho rằng ông Sarkozy đang cố làm suy yếu vị thế của ông trong các cuộc thương lượng.

 

Ông Holmes, cựu Đại sứ Anh tại Pari, cũng không nhất trí với quan điểm của ông Barnier. Ông Holmes nói: "Tôi không chắc chắn rằng CAP là một mô hình có thể dễ dàng được áp dụng tại những nơi khác. Hệ thống này có một số vấn đề, như các chính sách trợ cấp bóp méo thương mại". Tuần trước, ông Holmes đi thăm Brúcxen (Bỉ) để tham dự một hội nghị bàn về vai trò của nông nghiệp trong việc giải quyết tình trạng đói nghèo trên toàn cầu. Pháp, nước đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU kể từ đầu tháng 7/08, đã xác định nông nghiệp là một trong những chủ đề ưu tiên trong nhiệm kỳ 6 tháng trên cương vị điều hành EU. Pari đang tìm cách khuấy động một cuộc tranh cãi về vấn đề điều gì sẽ xảy ra với CAP ngay khi chính sách trợ cấp cho hệ thống này hết hạn vào năm 2013.

 

Ông Holmes - cũng là thành viên lực lượng đặc nhiệm của LHQ phụ trách giám sát các phản ứng ngắn hạn và dài hạn trước cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu - đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách của EU xem xét vấn đề hệ thống trợ cấp nông nghiệp rộng rãi của EU đã tác động như thế nào đến các nước nghèo. Ông nói: "Trong tình hình mới hiện nay, cần thiết phải xem các chính sách trợ giá bóp méo thương mại tác động như thế nào đến khả năng sản xuất và xuất khẩu của các nước đang phát triển".

 

Trong khi cho rằng cần phải viện trợ lương thực nhiều hơn để giúp các nước nghèo đối phó với giá cả leo thang, ông Holmes nói thêm: "Trong ngắn hạn hơn, chúng ta phải giải quyết được vấn đề tại sao các nước nghèo thiếu đầu tư vào nông nghiệp trong 20-30 năm qua. Viện trợ quốc tế nhằm giúp phát triển nông nghiệp ở các nước nghèo đã giảm từ 10% xuống còn 3%. Mức này cần phải được khôi phục lại".

 

Theo Tổ chức Nông-Lương LHQ (FAO), thế giới có khả năng nuôi sống 12 tỷ người, gấp đôi mức dân số hiện nay, nhưng vẫn có tới 5,6 triệu trẻ em chết vì suy dinh dưỡng mỗi năm.

 

Chủ tịch Ủy ban phát triển của Nghị viện châu Âu, Josep Borrel, nhận định giá lương thực leo thang diễn ra sau khi châu Âu thực hiện các chính sách trợ giá nhằm duy trì giá thấp ở các nước nghèo, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Ông nói: "Chúng ta đã tạo ra một vòng luẩn quẩn. Chúng ta cần lương thực giá rẻ để nuôi sống người dân thành thị, nhưng điều này lại ảnh hưởng xấu đến sản xuất lương thực.

 

Trong khi một vài chính phủ châu Âu không muốn cho phép trồng và buôn bán các sinh thể biến đổi gien (GMO), bà Boel khẳng định công nghệ sinh học có thể đem lại lợi ích cho châu Phi.

 

Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho rằng công nghệ sinh học không phải là phương thuốc điều trị các vấn đề cơ cấu mà ngành nông nghiệp của các nước nghèo đang phải đối mặt. Ông Marco Contiero, một nhà vận động của tổ chức môi trường này, nói: "Hiện không có giải pháp hữu hiệu nào cho tình trạng leo thang của giá lương thực hiện nay. Bất cứ một tuyên bố nào cho rằng chỉ có công nghệ biến đổi gien là giải pháp đối với nguồn cung lương thực tương lai của chúng ta là hoàn toàn sai lầm, và làm sao lãng sự chú ý đến những giải pháp thực tế. Các phương pháp canh tác phi biến đổi gien, đa dạng sinh học và hiện đại - có thể đảm bảo năng suất cao, không tác động xấu đến môi trường, không hủy hoại các nguồn tài nguyên và đem lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân trên khắp thế giới - là biện pháp tiến bộ duy nhất".

 

Ông Saliou Sarr, điều phối viên người Xênêgan của Mạng lưới các tổ chức nông nghiệp Tây Phi (ROPPA), cho biết các chính phủ châu Phi đã nhất trí dành ít nhất 10% ngân sách để hỗ trợ nông nghiệp từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang phải chật vật để đạt được mục tiêu này. Đổi lại, để giành được hỗ trợ tài chính từ WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều nước nghèo đã bị buộc phải giảm chi tiêu cho nông nghiệp trong những năm 1980. Theo Quỹ Phát triển Nông nghiệp, các chính phủ châu Phi đã cắt giảm 1/3 chi tiêu ngân sách cho nông nghiệp.

17/07/2008   

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn

 

 

Quảng cáo sản phẩm