Bảo hộ - cần tỉnh táo, rạch ròi

14/03/2018 12:00 - 598 lượt xem

(TBKTSG) - Tự do hóa thương mại là có lợi cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và các quốc gia nói riêng. Điều này không chỉ được chứng minh trên lý thuyết mà còn đúng trên thực tế khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương liên tục được hình thành và phát triển.

Trong dòng chảy toàn cầu như vậy, chủ nghĩa bảo hộ nhân danh quyền lợi quốc gia chưa bao giờ chết hay mất đi sức mạnh và tầm ảnh hưởng. Sự “trường tồn” của chủ nghĩa bảo hộ được nuôi dưỡng có thể bởi động cơ chính trị của các chính trị gia khi vận động tranh cử hoặc khi đang tại quyền muốn lợi dụng bảo hộ để thu phục sự ủng hộ của những nhóm lợi ích bị thiệt hại bởi tự do hóa thương mại. Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ cũng có thể được nuôi dưỡng bởi sự vận động hành lang của các nhóm lợi ích như một công cụ bảo vệ đặc quyền của họ.

Trong một số trường hợp, bảo hộ thực sự có ý nghĩa và cần thiết khi nó được dùng như một công cụ trong một gói chính sách để trợ giúp phát triển các ngành công nghiệp địa phương non trẻ nhưng có tiềm năng. Đặc biệt, bảo hộ cũng là cần thiết và xác đáng khi các nhà sản xuất nội địa bị cạnh tranh một cách không công bằng với các nhà sản xuất nước ngoài do các nhà sản xuất nước ngoài được, ví dụ, trợ giá bởi chính phủ của họ, hoặc họ bán phá giá để giành thị phần tại nước ngoài. Đây là trường hợp điển hình khiến Mỹ gần đây đã xem xét đánh thuế cao hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ như máy giặt, pin mặt trời, thép và nhôm... - là hành động mà trong con mắt của nhiều người, đã làm trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ, vốn có khả năng châm ngòi cho chiến tranh thương mại với các đối tác của mình.

Ở Việt Nam, chính sách bảo hộ đã in đậm dấu ấn trong một số ngành mà điển hình là ô tô và mía đường. Danh sách ngành được bảo hộ thỉnh thoảng còn được bổ sung thêm những ngành mà các doanh nghiệp của ngành (nhiều khi là các doanh nghiệp nhà nước) làm ăn thua lỗ, bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng nhập khẩu, như phân bón, polyester lớn tiếng “kể khổ” để rồi được Chính phủ ra tay cứu vớt bằng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

Điểm chung của các ngành được bảo hộ ở Việt Nam là chúng không phải là những ngành công nghiệp non trẻ nữa, và cũng không phải là công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp xanh, có tính sáng tạo, có tiềm năng thành công và cần khuyến khích phát triển bằng mọi giá. Và khác với Mỹ, sản phẩm của nhiều trong số những ngành này ở Việt Nam không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu đơn giản vì các doanh nghiệp sản xuất bằng những công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, chi phí cao, phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu và bán thành phẩm nhập khẩu.
Nếu lỗi của sự cạnh tranh yếu không nằm ở phía nước ngoài, mà là hậu quả có yếu tố nội tại, trong khi bản thân chúng không phải là những ngành, những sản phẩm non trẻ, có tiềm năng, cần khuyến khích và hỗ trợ của Chính phủ... thì Chính phủ cần (dũng cảm) bỏ tư duy “đâm lao phải theo lao”, nói không với bảo hộ.

Trong nhiều trường hợp, các dự án sản xuất được “vẽ” ra và thực thi một cách duy ý chí và/hoặc để có điều kiện tham nhũng, từ khâu thiết kế, xây dựng đến vận hành và tiêu thụ sản phẩm mà bất chấp hiệu quả của dự án, với tâm lý lỗ đâu thì “kêu” Nhà nước đến đó.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong các ngành được bảo hộ được cho ra đời hoặc bắt tay vào sản xuất sản phẩm nhiều khi chỉ đơn giản bởi chạy theo lối tư duy kinh tế thời bao cấp rằng cái gì phải nhập khẩu (nhiều) thì hãy sản xuất ở trong nước mà bất chấp các tính toán thiệt hơn về lợi thế so sánh với các nước xuất khẩu.

Các phong trào như phát triển xi măng lò đứng và chương trình mía đường quốc gia theo các đề án quy hoạch mang nặng dấu ấn kinh tế kế hoạch hóa cũng là những tác nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả các địa phương đua nhau xây nhà máy xi măng, trồng mía và chế biến đường, để rồi sản phẩm làm ra chất đống trong kho do chất lượng kém, giá thành cao, bán trong nước không được, xuất đi cũng không xong, tạo liên tưởng đến chương trình “Đại nhảy vọt” của Trung Quốc năm nào. Từ đây lại xảy ra tâm lý “đâm lao phải theo lao”, Chính phủ buộc phải “tháo gỡ khó khăn” bằng các biện pháp bảo hộ và trợ cấp cho các doanh nghiệp.

Để biện minh và làm tăng thêm sức nặng cho lời kêu gọi bảo hộ từ Nhà nước, các doanh nghiệp và hiệp hội thường nhấn mạnh đến hậu quả hàng ngàn công nhân trong ngành mất việc, hàng triệu nông dân sản xuất, nuôi trồng nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi các nhà máy đóng cửa. Đương nhiên là khi vận động như vậy, lợi ích tổng thể của một nền kinh tế với gần 100 triệu người tiêu dùng không bao giờ được đề cập đến.

Trong bối cảnh này, Chính phủ cần tỉnh táo, rạch ròi trước khi đưa ra những chính sách bảo hộ (mới). Chính sách bảo hộ cần phải tránh là hậu quả của sự vận động hành lang của nhóm lợi ích liên quan hay bản thân người làm chính sách chỉ để bảo vệ đặc lợi của họ mà không công tâm xét đến tính cần thiết của bảo hộ. Lắng nghe công luận thì sẽ biết được chính sách bảo hộ phục vụ ai và có xứng đáng không.

Và cũng như trên đã nói, nếu lỗi của sự cạnh tranh yếu không nằm ở phía nước ngoài, mà là hậu quả có yếu tố nội tại như sự phát triển tràn lan theo quy hoạch bất hợp lý, công nghệ và thiết bị lạc hậu, quy mô nhỏ, tham nhũng nặng nề, trong khi bản thân chúng không phải là những ngành, những sản phẩm non trẻ, có tiềm năng, cần khuyến khích và hỗ trợ của Chính phủ... thì Chính phủ cần (dũng cảm) bỏ tư duy “đâm lao phải theo lao”, nói không với bảo hộ, kể cả những ngành có sự hiện diện của các doanh nghiệp nhà nước.

Tất nhiên là nếu không bảo hộ thì sẽ có ngay hàng ngàn người có quyền lợi liên đới bị ảnh hưởng. Nhưng kể cả khi phải trợ cấp, giải quyết gánh nặng kinh tế như mất việc, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi... thì chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra có thể sẽ chỉ bằng một phần phí tổn mà Nhà nước nói riêng và cả nền kinh tế phải gánh chịu khi phải “cưu mang” những doanh nghiệp và những ngành sản xuất không hiệu quả, không ít trong số chúng là các “xác sống”. 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm