Bảo hộ thương mại: Có thể là cơ hội?

24/07/2019 12:00 - 357 lượt xem

Bảo hộ thương mại đang là xu hướng ảnh hưởng đến nhiều quốc gia xuất khẩu (XK) như Việt Nam. Tuy nhiên, có thể trở thành điểm tích cực nếu biết tận dụng. Đó là quan điểm của PGS.TS. Hà Văn Sự - Trưởng Khoa Kinh tế Luật - Trường Đại học Thương mại - thành viên ban soạn thảo Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo Công Thương.

Thưa ông, với độ mở lớn của nền kinh tế, xu hướng bảo hộ thương mại đang có những tác động nhất định đến hoạt động XK của nước ta. Ông có thể cho biết cụ thể hơn không?

 Bảo hộ thương mại là giải pháp được các quốc gia nhập khẩu sử dụng chủ yếu giải quyết bài toán giảm bớt thâm hụt thương mại với các đối tác, bảo vệ sản xuất trong nước phát triển bền vững hơn. Ví dụ với Mỹ, khi Mỹ bị thâm hụt thương mại với các đối tác như Trung Quốc, EU, Mexico, Canada… thì quốc gia này sẽ gia tăng các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc áp thuế hàng hóa nhập khẩu. Trong trường hợp các cường quốc lớn trên thế giới xảy ra xung đột với nhau, Việt Nam- nền kinh tế có độ mở lớn, tỷ trọng XK trong GDP chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng.

Đơn cử, với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong ngắn hạn, thương mại Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng khi Mỹ tăng áp đặt các biện pháp hạn chế với hàng hóa Trung Quốc khiến một số hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, việc tăng giá đồng USD khiến Việt Nam phải chịu sức ép lớn để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Chưa kể, không thể không tính đến việc hàng hóa Trung Quốc có thể nhập khẩu sang Việt Nam, lợi dụng xuất xứ để XK sang Mỹ. Nếu việc này xảy ra và bị phát hiện, hàng hóa Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng, bị áp thuế.

Không thể phủ nhận những tác động tiêu cực nhưng bảo hộ thương mại phần nào cũng mang lại những tác động tích cực cho việc XK của nước ta. Ý kiến của ông về vấn đề này là gì?

Bảo hộ thương mại chắc chắn cũng sẽ mang lại những tác động tích cực, nếu như biết tận dụng. Bởi thường quốc gia bị áp đặt bảo hộ thương mại sẽ có xu hướng phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh XK sang các thị trường khác, đồng thời hạn chế nhập khẩu, cân bằng cán cân thương mại. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm kiếm, đa dạng nguồn hàng nguyên liệu nhập khẩu với giá phải chăng.

Bên cạnh đó, bảo hộ thương mại sẽ khiến xu hướng cạnh tranh về giá dần được thay thế bởi cạnh tranh bằng chất lượng. Đó là điều tốt để chuyển từ XK hàng hóa chất lượng thấp, giá thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn, dễ bị áp biện pháp phòng vệ thương mại sang sản xuất và XK hàng hóa chất lượng tốt, tiêu chuẩn bảo đảm. Tuy nhiên, cơ hội sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu có được sự vào cuộc của cả Chính phủ, các hiệp hội và DN. Trong đó, Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ DN phát triển, cung cấp thông tin thị trường, định hướng XK cho DN theo hướng thị trường nào, sản phẩm đó. Vai trò của Hiệp hội được nâng cao trong việc cung cấp thông tin, liên kết DN. DN XK nỗ lực đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm XK.

Trong bối cảnh DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, yếu cả về vốn và công nghệ, bài toán liên kết DN được đặt ra không chỉ để đối phó với những khó khăn từ các biện pháp bảo hộ thương mại mà còn giúp DN nâng cao sức cạnh tranh để tận dụng cơ hội từ hội nhập. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao? 

Tôi cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết. Tuy vậy, DN không thể thực hiện hiệu quả mà còn đòi hỏi những chính sách mở từ cơ quan quản lý nhà nước để DN nhỏ có thể tích tụ, tập trung vốn để hình thành nên các tập đoàn, DN lớn. Các hiệp hội cũng có thể đứng ra làm cầu nối để hỗ trợ DN liên kết, hình thành nên những DN đủ lớn, sản xuất ra hàng hóa có sức cạnh tranh. Có như vậy DN mới lớn mạnh, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng cơ hội từ ưu đãi thuế quan và chịu được sức ép hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương
Quảng cáo sản phẩm