Bấp bênh xuất khẩu da giày

25/08/2009 12:00 - 1020 lượt xem

Dự kiến năm 2009, kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ chỉ đạt ở mức xấp xỉ năm 2008.


Dù rất nỗ lực, nhưng 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của ngành da giày nước ta mới đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 327 triệu USD so với cùng kỳ năm 2008, đạt 54% so với mục tiêu đề ra (5,1 tỷ USD).


Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Tòng, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương về xuất khẩu da giày năm 2009 và kế hoạch năm 2010.


Theo bà Tòng, năm 2009, ngành da giày phải đối mặt với nhiều khó khăn do phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhưng khó khăn chưa dừng lại đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và ngành tiếp tục phải đối mặt với việc rà soát cuối kỳ vụ kiện phá giá các loại giày có mũ từ da xuất xứ từ Việt Nam.


Ngoài ra, từ ngày 1/1/2009, các sản phẩm da giày xuất khẩu sang thị trường EU (thị trường chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành) không được hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP.


Với kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm và dự báo khả năng ổn định trở lại của thị trường tiêu dùng, Lefaso dự kiến năm 2009, kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ chỉ đạt ở mức xấp xỉ năm 2008, khoảng 4,59 tỷ USD, giảm 10% so với kế hoạch đăng ký với Bộ Công thương.


Có thể thấy rất rõ, từ đầu năm 2009 đến nay, tác động của vụ kiện chống bán phá giá cùng với việc Việt Nam không còn được hưởng ưu đãi thuế quan GSP của EU đã làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của da giày Việt Nam. Các tập đoàn sản xuất lớn như Nike, Adidas.... có xu hướng từng bước chuyển dịch sản xuất sang một số nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Myanmar…


Chẳng hạn, Hãng Nike đã sắp xếp cho 3 DN, trong đó có Công ty SAMHO Việt Nam ngừng sản xuất để dồn đơn hàng cho các DN còn lại. Hãng Adidas giải quyết khó khăn do thu hẹp sản xuất bằng cách giảm đều đơn hàng tại các DN, làm cho một số DN hoạt động dưới năng lực thực tế (ở mức 70 – 90%). Về đơn hàng và kế hoạch sản xuất, DN chỉ được báo trước 1- 3 tháng, trong khi trước đây là 6 tháng đến 1 năm.


Đồng thời, khi có đơn hàng, thời hạn thực hiện của DN rất ngắn. Như vậy, để có thể hoàn thành được chỉ tiêu xuất khẩu năm 2009, 4 tháng còn lại, ngành da giày phải đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, tức mỗi tháng xuất khẩu 450 triệu USD. Đạt được con số này là điều không dễ dàng, khi mà kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tháng từ đầu năm 2009 đến nay chỉ đạt 400 triệu USD.


Đồng quan điểm, bà Phan Thị Diệu Hà, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, với thực tế thị trường và số lượng đơn hàng mà các DN có được, thì để đạt được dự kiến xuất khẩu trong năm 2009 mà Lefaso đưa ra, đòi hỏi các DN phải nỗ lực rất nhiều.


Bà Tòng cho biết, kết quả sản xuất - kinh doanh 8 tháng đầu năm 2009 của toàn ngành bị giảm sút kéo theo tình trạng giảm việc làm và thu nhập của người lao động, nhất là những người làm việc tại các DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, quý I/2009, do không có đơn hàng, nhiều DN cho công nhân nghỉ việc, nhưng sang quý II, III, khi có đơn hàng trở lại, thu hút lao động trở nên khó khăn khiến các DN càng bị động.


Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia xuất khẩu giày dép lớn trên thế giới, song không thể phủ nhận được rằng, năng lực xuất khẩu của ngành giày trên thị trường xuất khẩu thế giới còn yếu, do thiếu khả năng tự thiết kế mẫu mã, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, điều kiện kinh tế và hạ tầng dịch vụ của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, 70% nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu, chi phí sản xuất cao, ưu thế về nhân công lao động tuy vẫn là nhân tố cạnh tranh, nhưng không còn thuận lợi như trước đây.


Để cải thiện tình hình, hiện ngành da giày phối hợp với ngành dệt may tổ chức các khoá đào tạo, các chương trình xúc tiến thương mại và lên kế hoạch khai thác thị trường nội địa.


Lefaso cũng khuyến khích các DN da giày tăng cường đầu tư thiết bị, nhà xưởng, nâng cao năng suất chất lượng, đặc biệt là khả năng tự thiết kế mẫu, để tiến tới sản xuất hàng cao cấp, nhằm cạnh tranh với hàng Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Sang năm 2010, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang dần được phục hồi, toàn ngành da giày dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 5,3 tỷ USD. Con số này thua xa so với tính toán tại Quy hoạch Phát triển ngành da giày (6,2 tỷ USD), nhưng bà Hà cho rằng, đây là một mức cao, ngành da giày nên tính toán lại.


Nguồn: http://cafef.vn

 

Quảng cáo sản phẩm