Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo khởi xướng điều tra về việc liệu Trung Quốc có tiếp tục bị đối xử như nền kinh tế phi thị trường theo quy định pháp luật chống bán phá giá và chống trợ cấp

04/04/2017 12:00 - 1153 lượt xem

Ngày 29 tháng 3 năm 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra về việc liệu Trung Quốc có tiếp tục bị đối xử như nền kinh tế phi thị trường (NME) theo quy định pháp luật về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ không.

Mục 771(18)(A) Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ định nghĩa “nước có nền kinh tế phi thị trường” là bất kỳ nước nào được DOC xác định là không “hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc thị trường về cấu trúc giá hoặc chi phí, do đó dẫn tới việc bán hàng hóa tại nước đó không phản ánh giá trị hợp lý (fair value) của hàng hóa”. Trong tất cả các vụ việc điều tra chống bán phá giá và rà soát hành chính trước đây, DOC đều coi Trung Quốc là nước có nền kinh tế phi thị trường. Tuy nhiên, mục 771(18)(C)(ii) Đạo luật Thuế quan 1930 cũng quy định DOC có thể đưa ra quyết định về tình trạng kinh tế phi thị trường của một nước “vào bất kỳ thời điểm nào” (“at any time”). Lần gần đây nhất DOC tiến hành rà soát lại về tình hình kinh tế phi thị trường của Trung Quốc là vào năm 2006, nhưng vào thời điểm đó, DOC ra kết luận cuối cùng rằng Trung Quốc vẫn là nền kinh tế phi thị trường.

Việc khởi xướng điều tra về vấn đề kinh tế phi thị trường của Trung Quốc (như đã nêu ở trên) là một phần trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với phôi nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ (sau đây gọi là “vụ việc điều tra”) (được khởi xướng ngày 28/3/2017 và là vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên khởi xướng với Trung Quốc kể từ sau ngày 11/12/2016- thời điểm Điều 15(a)(ii) trong Nghị định thư gia nhập WTO của Trung Quốc hết hiệu lực. Việc điều tra về vấn đề kinh tế phi thị trường của Trung Quốc cũng là để thu thập các thông tin cập nhật nhằm giải quyết vấn đề kinh tế thị trường của Trung Quốc sau khi Điều 15(a)(ii) hết hiệu lực. Điều 15(a)(ii) quy định cho phép các quốc gia thành viên WTO có thể sử dụng các giá trị thay thế từ các nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Trung Quốc trong các vụ điều tra chống bán phá giá thay vì sử dụng các số liệu nội địa Trung Quốc (mà các giá trị này được đánh giá là chịu sự kiểm soát của Chính phủ). Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng sau thời điểm ngày 11 tháng 12 năm 2016, việc các nước Thành viên tiếp tục sử dụng các phương pháp sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ 3 là vi phạm nghĩa vụ theo quy định của WTO. Trên cơ sở đó, Trung Quốc cho rằng một số phương pháp hiện tại của Hoa Kỳ đã vi phạm quy định nêu trên do đó, ngày 12/11/2016, Trung Quốc đã khởi kiện Hoa Kỳ tại WTO liên quan đến việc Hoa Kỳ vẫn sử dụng phương pháp tính toán biên độ phá giá dựa trên giá trị thay thế từ nước thứ 3 (vụ việc DS515). Hiện vụ việc đang trong giai đoạn tham vấn.

Việc Hoa Kỳ tiến hành điều tra về tình trạng KTTT của Trung Quốc là theo quy định của Mục 771 (18) của Đạo luật Thuế quan. Theo thông báo điều tra, cho tới khi Hoa Kỳ có quyết định cuối cùng về việc liệu có dỡ bỏ quy chế kinh tế phi thị trường cho Trung Quốc hay không (như theo quy định tại Mục 771 (18) (C) (i) của Đạo luật, thì Trung Quốc vẫn bị coi là có nền kinh tế phi thị trường theo quy định của pháp luật chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Trong khuôn khổ của việc điều tra này, DOC yêu cầu các bên đưa ra bình luận (public comment) bằng văn bản và các thông tin liên quan đến các yếu tố về vấn đề kinh tế thị trường được xem xét theo quy định của Đạo luật thuế quan 1930 (6 tiêu chí về mức độ chuyển đổi của đồng tiền, mức độ mà tiền lương được thỏa thuận tự do giữa người thuê lao động và người lao động, mức đô mà các liên doanh hoặc các hình thức đầu tư khác của các doannh nghiệp nước ngoài được phép tiến hành, mức độ về sở hữu nhà nước hoặc sự can thiệp của Nhà nước đối với các phương tiện sản xuất, mức độ Nhà nước can thiệp đối với sự phân bổ các nguồn lực, giá cả và quyết định của doanh nghiệp về đầu ra và các tiêu chí khác mà cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ cho là phù hợp).

Mọi thông tin và bình luận phải được gửi về DOC không muộn hơn 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng được công bố trên Công báo liên bang.

Các cách thức để bình luận và cung cấp thông tin gồm:

- Thông qua Cổng thông tin điện tử của Liên bang: www.Regulations.gov. Trong đó phải chỉ rõ mã hiệu của vụ việc là ITA-2017-002.

- Gửi qua bưu điện tới bà Leah Wils-Owens, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Cục Tuân thủ và thực thi, Phòng 3720, số 1401 Đại lộ Constitution, NW, Washington, Hoa Kỳ và đề nghị chỉ rõ “Điều tra về tình trạng kinh tế phi thị trường của Trung Quốc theo quy định pháp luật về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, ITA-2017-002” tại tiêu đề thư.

Dự kiến, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề kinh tế phi thị trường của Trung Quốc trước khi ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra (DOC dự kiến ban hành kết luận sơ bộ vào khoảng tháng 8 năm 2017).

Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh
Quảng cáo sản phẩm