Bức tranh nền kinh tế năm 2019 sẽ khác?

15/02/2019 12:00 - 436 lượt xem

Những vùng xám kinh tế đang dần lộ diện nhiều hơn từ nửa sau 2018. Rất nhiều dự báo cho đến thời điểm cuối năm 2018 đều cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 sẽ chững lại.

2018- Một năm tăng trưởng hơn kỳ vọng

Trong năm 2018, Việt Nam tiếp tục đà phục hồi kinh tế. Tăng trưởng GDP khoảng 7%, con số cao nhất trong 10 năm lại đây, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát tính theo CPI bình quân chỉ ở mức 3,5%, và cùng với đó là các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua đều đạt và vượt. Cùng với nỗ lực chung của cả nước, năm 2018  còn có không ít điều kiện bên ngoài nhìn chung thuận lợi, dù rủi ro đã tăng lên từ quí III/2018. Kinh tế thế giới vẫn còn đà tăng trưởng  tương đối tốt; tăng trưởng thương mại thế giới vẫn tương đối cao. Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, đây  là nhân tố quan trọng góp phần cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thử nhìn những yếu tố dẫn dắt con số tăng trưởng khá ấn tượng của kinh tế Việt Nam 2018. Trước hết là từ phía cung.

Thứ nhất, khác với năm 2016 khi nông nghiệp có mức tăng trưởng rất thấp, chỉ chưa tới 1%, năm 2017 và đặc biệt là năm 2018, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng tốt,  trên 3,5%,xuất khẩu đạt tới 40 tỷ USD,  đóng góp có ý nghĩa cho tăng trưởng kinh tế nói chung.  Nông nghiệp, xét về tỷ lệ tương đối đã giảm (chỉ chiếm khoảng 15% GDP) nhưng vẫn rất quan trọng. Lưu ý là thành tích nông nghiệp tùy thuộc không nhỏ vào điều kiện thời tiết khí hậu và  điều kiện kinh tế thế giới cho xuất khẩu. Chế biến sâu và tăng giá trị gia tăng  vẫn là thách thức lớn.

Tiếp theo, phải kể đến vai trò chi phối của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực chế biến chế tạo hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là một vài công ty lớn. Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, điều vẫn cần làm là thúc đẩy việc tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm sao để tận dụng được cơ hội trước mắt, tạo nền tảng phát triển tốt hơn về lâu dài cho doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp.

Thứ ba, một số lĩnh vực thuộc khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng tốt như giao thông, logistic, phân phối bán lẻ, du lịch, tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng chỉ 7%, bằng mức tăng trưởng GDP,  đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế không còn cao như những năm trước. Một số lĩnh vực dịch vụ có dấu hiệu đi xuống  từ nưcar cuối năm 2018.

Nhìn từ phía cầu, mức tăng tiêu dùng khá cao,  FDI (giải ngân 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017), đầu tư tư nhân tiếp tục có chuyển biến rõ nét, và Việt Nam vẫn giữ là một nền kinh tế mạnh về xuất khẩu.
Về môi trường chính sách,  năm 2018 cũng ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong  cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Và trong chừng mực nhất định, điều này tạo thêm động lực, niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư vào tiềm năng và khả năng phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy không ít những điểm sáng về ổn định kinh tế vĩ mô: lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ tương đối cao, nợ xấu tiếp tục được xử lý tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể áp lực về lạm phát vẫn là dấu hỏi. Gánh nặng tái cấu trúc nền kinh tế liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng,… vẫn còn, xét cả về tốc độ và cách thức triển khai sao cho có hiệu quả. 

Vùng xám kinh tế 2019…

Với tất cả diễn biến của kinh tế thế giới thì có thể nói những vùng xám kinh tế đang dần lộ diện nhiều hơn từ nửa sau 2018. Rất nhiều dự báo cho đến thời điểm cuối năm 2018 đều cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 sẽ chững lại. Những dự báo này đều đưa ra con số tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 giảm 0,2 – 0,3 điểm phần trăm so với con số dự báo trong nửa đầu năm 2018..

Sau thời gian tăng trưởng tích cực, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại  đáng kể trong năm 2019. Kinh tế Trung Quốc năm cũng được dự báo giảm tốc nhanh hơn dự kiến trước đây. . Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. .

Đà tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 cũng được dự báo suy giảm, không còn tốt như 2 năm 2017 và 2018. Bên cạnh đó, có những rủi ro nhất định về việc di chuyển dòng vốn, về độ chắc chắn và niềm tin của các nhà đầu tư trên thế giới.

Lý do đằng sau của dự báo kém lạc quan này là ngoài tính chu kỳ kinh tế, mà biểu hiện suy giảm kinh tế đã bắt đầu từ cuối quý III, quý IV năm nay, có nhiều yếu tố làm gia tăng tính bất định và rủi ro nền kinh tế toàn cầu. Trước hết là tình hình địa- chính trị căng thẳng, tranh chấp giữa các nước lớn vẫn rất gay gắt, có thể thấy qua một số điểm nóng như  tại khu vực Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và kể cả Biển Đông.

Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nhiều tác động đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, một nền kinh tế rất mở về thương mại và đầu tư..

Tính bất định cũng thể hiện rất rõ qua những dự báo gần đây về giá cả hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá dầu. Năm 2018, giá dầu tăng trên 30% so với 2017, đỉnh điểm là vào tháng 10/2018. Sau khi Mỹ ra lệnh cấm vận Iran đầu tháng 11/2018,  nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục đẩy cao, thậm chí có thể lên trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, thực tế giá dầu lại giảm quá nhanh, và nhiều nước sản xuất dầu mỏ lại phải bàn đến chuyền giảm cung.  Hiện tại, phần lớn các dự báo đều cho rằng giá dầu trong năm 2019 sẽ  giảm đáng kể so với năm 2018.

Điểm nứa, không thể không nhắc tới là việc thực thi chính sách vĩ mô của các nước phát triển, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lãi suất như thế nào sau 4 lần tăng lãi suất năm 2018 ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính và cả tăng trưởng toàn cầu. Điều hành tỷ giá và giữ mặt bằng lãi suất ở mức thích hợp sẽ đối mặt với không ítkhó khăn cho các nhà quản lý tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Một vấn đề chúng ta cũng cần xét rất thận trọng trong năm tới đó là bên cạnh việc gia tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập, thì lượng doanh nghiệp đóng cửa dưới các hình thức khác nhau là rất cao, tỷ lệ này chiếm đến trên 70%, tăng rất nhiều so với con số trung bình 45% của những năm trước. Có thể mức tăng cao này do cách thống kê khác biệt năm 2018. Điều then chốt ở đây là cách nhìn, cách tiếp cận về việc cải thiện môi trường kinh doanh đã đúng, nhưng có thể là chưa đủ.

Chúng ta có thể an tâm vào số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên quá trình hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp vô vàn trắc trở, chi phí giao dịch còn quá cao. Vấn đề đặt ra là cần xác định khía cạnh cần ưu tiên, quan tâm hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Đó có thể là những  vấn đề liên quan đến quyền tài sản (nhất là đất đai), cạnh tranh, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, việc tiếp cận các nguồn lực (vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, lao động có kỹ năng), và cả rút lui khỏi thị trường.

… Và những điểm sáng

Chính phủ vẫn kiên định với việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hy vọng sẽ có những bứt phá trong năm 2019. Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được chú trọng, vì đó vừa là nền tảng tốt tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những diến biến khó lường của kinh tế thế giới, vừa tạo môi trường giảm bớt tính bất định, thuận lợi cho kinh doanh.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2019 đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay đang có  nhiều va đập về thương mại. Nhưng dù sao đây cũng là cơ hội để tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đó cũng là chất xúc tác để tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn được nhìn nhận là điểm đến đầu tư kinh doanh có nhiều lợi thế. Một trong những lợi thế được nhắc đến nhiều nhất là vị trí trung tâm, là điểm kết nối thương mại, đầu tư kinh doanh trong khu vực và với thế giới, nhất là cũng với 14 FTA khác, FTA thế hệ mới, chất lượng cao như CPTPP sẽ đi vào thực thi cũng như  FTA giữa Việt Nam và  EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ được ký kết trưng nưae đầu năm 2019.

Chính những nhân tố trên đây còn có thể giúp Việt Nam giảm thiểu tác động bất lợi, “hóa giải” thành cơ hội ngay trong bối cảnh “vùng xám” bất định, rủi ro gia tăng nhờ những chuyển hướng thương mại, đầu tư, tạo thêm xúc tác cho tăng trưởng kinh tế.

Nhìn tổng thể, , những mục tiêu phát triển Chính phủ đề ra cho năm 2019 (tăng trưởng 6,6-6,8%; lạm phát quanh 4%, xuất khẩu tăng 7-68%,…), đã được Quốc hội thông qua, là vừa phải và khá cẩn trọng, tương thích với cái nhìn xu hướng kinh tế thế giới và “cân bằng” với  khó khăn – thuận lợi đối mặt.

Sự bất định, tính khó lường kinh tế thế giới không hạn chế chúng ta khát khao, có ý chí phấn đấu đạt những mục tiêu phát triển cao hơn, tốt hơn. Đồng thời, chúng ta cũng chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản với những diến biến, các cú sốc không thuận từ kinh tế thế giới để giảm đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, biến nguy thành cơ và tiếp tục cải cách, phát triển.
Nguồn: Báo Thương trường
Quảng cáo sản phẩm