Các biện pháp bảo hộ thương mại trên thế giới gia tăng ở mức kỷ lục

21/12/2019 12:00 - 1196 lượt xem

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt là Vòng đàm phán Đôha bị đình trệ và vướng phải nhiều nút thắt khó gỡ nhiều năm qua, các thành viên của WTO tỏ ra không còn mặn mà với các cuộc đàm phán đa phương do khó đạt đồng thuận đối với những vấn đề nhạy cảm và có xu hướng chuyển sang đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại tự do song phương hoặc nhiều bên (RTA/FTA).

Điều này dẫn tới sự phân cực hoặc co cụm thương mại giữa các khu vực và quốc gia trên thế giới, đồng thời làm gia tăng sự phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế.

Nghiên cứu mới đây của WTO cho thấy, thời gian qua, các biện pháp hạn chế/bảo hộ thương mại được các thành viên WTO áp dụng đã gia tăng một cách kỷ lục. Đơn cử, chỉ trong giai đoạn từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019, tổng giá trị thương mại bị ảnh hưởng do việc áp dụng các biện pháp này dự tính khoảng 747 tỷ USD. Đây là con số lớn nhất được ghi nhận kể từ tháng 10/2012 tới nay, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái (ở mức 588 tỷ USD). Điều này khiến cho căng thẳng trong quan hệ giao thương và sự bất ổn trong thương mại quốc tế ngày càng gia tăng.

Biểu đồ mô tả sự gia tăng của các biện pháp hạn chế thương mại giai đoạn 2012 - 2019 (đơn vị: tỷ USD - Nguồn WTO):

 
Báo cáo của Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO cho thấy, trong quá trình rà soát, 102 biện pháp bảo hộ thương mại mới đang được áp dụng bởi các thành viên WTO, bao gồm các biện pháp tăng thuế, tăng các hạn chế định lượng, thắt chặt các thủ tục hải quan, tăng thuế nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa v.v. Những mặt hàng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế nhập khẩu mới này tập trung vào: khoáng sản và dầu đốt (17,7%); máy móc thiết bị cơ khí (13%); máy móc, bộ phận điện (11,7%) và; kim loại quý (6%) v.v.

Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO cũng cho rằng, tình hình tăng lên của các chính sách và biện pháp bảo hộ thương mại này cần nhận được sự quan tâm đúng mức của các thành viên WTO cũng như cộng đồng quốc tế, bởi chúng đang có những tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng thương mại, công ăn việc làm và sức mua của các nước. Trong tình hình ngày càng gia tăng của các biện pháp hạn chế thương mại được áp dụng, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo tại buổi họp của Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hợp tác và nỗ lực của các thành viên trong việc giảm bớt các biện pháp này nhằm tăng cường sự bền vững của hệ thống thương mại và góp phần tích cực cho thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Ở chiều ngược lại, các thành viên WTO cũng đã đưa vào thực hiện 120 biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại. Tổng giá trị thương mại mang lại do việc áp dụng các biện pháp này ước tính khoảng 544,7 tỷ USD. Đây là tổng giá trị lớn thứ hai kể từ tháng 10/2012 cho tới nay và là kết quả của việc áp dụng các biện pháp thuận lợi hóa thương mại bởi các thành viên WTO, thể hiện tại biểu đồ dưới đây.

Biểu đồ mô tả giá trị của việc áp dụng các biện pháp thuận lợi hóa thương mại (đơn vị: tỷ USD - Nguồn WTO):

 
Từ thực tế trên, có thể thấy hiện vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể về tổng giá trị tạo ra giữa các biện pháp hạn chế thương mại và thuận lợi hóa thương mại cả về mặt số lượng và giá trị. Do vậy, nhiệm vụ của WTO thời gian tới là cần phải nỗ lực hợp tác hơn nữa nhằm tạo sự cân bằng giữa hai yếu tố quan trọng này trong thương mại quốc tế nhằm kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên quy mô toàn cầu. Mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực phối hợp và quyết tâm chính trị của các nước dưới sự điều phối của WTO mà đứng đầu là Tổng giám đốc Roberto Azevêdo./.

Nguồn Báo Công thương

Quảng cáo sản phẩm