Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ tại Marốc

14/11/2008 12:00 - 1700 lượt xem

Thương vụ VN tại Marốc xin giới thiệu các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ tại Marốc để các DN tham khảo. Để áp dụng một biện pháp chống phá giá, cần phải tiến hành điều tra để xác định xem có sự bán phá giá, gây tổn thất và có mối quan hệ nhân quả hay không. Việc bắt đầu điều tra dựa trên việc ngành sản xuất trong nước gửi đơn đến Bộ Ngoại thương nêu rõ có sự bán phá giá, gây tổn thất và tồn tại mối quan hệ nhân quả.

A.    Các biện pháp chống bán phá giá của Ma-rốc

Những điều kiện áp dụng các biện pháp chống phá giá

Để áp dụng một biện pháp chống phá giá, cần phải tiến hành điều tra để xác định xem có sự bán phá giá, gây tổn thất và có mối quan hệ nhân quả hay không.

Việc bắt đầu điều tra dựa trên việc ngành sản xuất trong nước gửi đơn đến Bộ Ngoại thương nêu rõ có sự bán phá giá, gây tổn thất và tồn tại mối quan hệ nhân quả.

Xác định có sự bán phá giá

Một sản phẩm bị xem là bán phá giá khi giá xuất khẩu vào Ma-rốc thấp hơn giá trị bình thường có nghĩa là thấp hơn giá bán tại thị trường trong nước của nước xuất khẩu hoặc thấp hơn giá bán tại những nước thứ ba hoặc thấp hơn chi phí sản xuất đã được cộng một khoản tiền hợp lý bao gồm chi phí kinh doanh và lãi được hưởng.

Tổn thất và mối quan hệ nhân quả

Thuật ngữ “ tổn thất” chỉ:

- Một tổn thất lớn gây ra đối với một ngành sản xuất trong nước;

- Mối đe doạ gây tổn thất lớn đối với một ngành sản xuất trong nước;

- Gậy chậm trễ trong việc hình thành một ngành sản xuất trong nước.

Việc xác định có tổn thất lớn hay không dựa vào những bằng chứng tích cực và việc xem xét khách quan:

- Khối lượng hàng nhập khẩu bị kiện bán phá giá;

- Tác động đến giá các sản phẩm giống hệt hoặc tương tự trong nước được bán trên thị trường nội địa; và

- Tác động của những mặt hàng nhập khẩu này đối với các nhà sản xuất trong nước nhất là làm giảm trên thực tế và trong tương lai doanh số bán ra, lợi nhuận, sản lượng hàng, thị phần, năng suất, việc thu hồi vốn đầu tư hoặc sử dụng năng lực.

Việc chứng minh tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa các mặt hàng nhập khẩu bị kiện là bán phá giá và tổn thất gây ra đối với ngành sản xuất trong nước cần dựa trên việc xem xét tất cả các yếu tố có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước (bên cạnh việc xem xét chính các mặt hàng nhập khẩu được xem là bán phá giá). Chẳng hạn như khối lượng và giá hàng nhập khẩu đã không bán theo giá phá giá.

Đơn kiện

Ngành sản xuất trong nước có sản phẩm giống hệt hoặc tương tự với sản phẩm nhập khẩu bị kiện là bán phá giá có thể gửi đơn xin áp dụng những biện pháp chống phá giá đến Bộ Ngoại thương.

Đơn này phải bao gồm những yếu tố chứng tỏ có sự bán phá giá, gây tổn thất lớn và tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc bán giá giá và mức độ thiệt hại. Những yếu tố này được quy định trong các hiệp định chống bán phá giá của WTO như sau:

- Danh tính của người đưa đơn hoặc của ngành sản xuất được đứng tên trong đơn có kèm theo danh sách của những nhà sản xuất trong nước đã được biết đến.

- Khối lượng và giá trị sản phẩm của người đưa đơn kiện và những nhà sản xuất ủng hộ việc đưa đơn.

- Mô tả đầy đủ sản phẩm nhập khẩu bị xem là bán phá giá và sản phẩm trong nước giống hệt hoặc tương tự với sản phẩm nhập khẩu.

- Tên của một hoặc các nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu sản phẩm bị tố cáo.

- Danh sách các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nước ngoài và các nhà nhập khẩu đã được biết đến.

- Những thông tin về sự tồn tại việc bán phá giá (giá trị bình thường, giá xuất khẩu, biên độ bán phá giá).

- Những thông tin về diễn biến khối lượng hàng nhập khẩu bị bán phá giá.

- Những yếu tố về tổn thất do các mặt hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra (tác động của các mặt hàng nhập khẩu bị tố cáo đối với giá hàng trong nước, tác động thực tế hoặc trong tương lai của các mặt hàng này đối với việc sản xuất, doanh thu bán hàng, thị phần, lợi nhuận, năng suất, thu hồi vốn đầu tư, việc sử dụng năng lực sản xuất...).

Đơn kiện phải được sự ủng hộ của các nhà sản xuất trong nước nắm giữ trên 50% lượng sản phẩm của ngành sản xuất trong nước trong đó các nhà sản xuất ủng hộ rõ ràng đơn kiện phải chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng của ngành sản xuất trong nước.

Đơn này phải được gửi làm hai bản:

- Một bản bí mật bao gồm tất cả những số liệu liên quan đến các yếu tố cấu thành bằng chứng trên cơ sở đó sẽ xác định việc bán phá giá và tổn thất gây lên, vv.

- Một bản không bí mật không bao gồm những thông tin mật hoặc không được cung cấp theo chế độ mật.

Ngành sản xuất trong nước

Ngành sản xuất trong nước là toàn bộ các nhà sản xuất trong nước có sản phẩm giống hệt hoặc tương tự được nêu trong đơn là đối tượng của việc bán phá giá hoặc một vài nhà sản xuất trong đó có lượng sản phẩm liên quan chiếm phần lớn trong tổng sản lượng quốc gia.

Điều tra

- Bắt đầu tiến hành điều tra

Sau khi xem xét những viện dẫn trong đơn và mức độ ủng hộ của các nhà sản xuất trong nước, Bộ Ngoại thương có thể quyết định mở một cuộc điều tra nếu các yếu tố cấu thành bằng chứng là thích đáng và đủ để chứng minh hành vi này.

Quyết định mở cuộc điều tra được thông báo đến tất cả các bên có liên quan và cũng sẽ được thông báo công khai.

- Diễn biến cuộc điều tra

Các nhân viên của Bộ Ngoại thương phụ trách việc điều tra sẽ dựa trên những thông tin do các bên liên quan cung cấp thông qua các câu trả lời bộ câu hỏi gửi cho họ ngay sau khi bắt đầu điều tra. Các nhân viên điều tra phải bảo vệ tính bí mật của những thông tin và kiểm tra thông tin để dựa vào đó xác định sự tồn tại của việc bán phá giá, tổn thất gây ra đối với ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa các mặt hàng nhập khẩu bán phá giá và mức độ thiệt hại.

Mặt khác, để đảm bảo tính công khai của thủ tục tố tụng, những thông tin cơ sở trong bản tường trình không bí mật sẽ được phổ biến cho các bên có liên quan để họ có thể đưa ra những nhận xét.

Các bên có liên quan có quyền tham gia vào cuộc điều tra, kể cả quyền gặp gỡ các bên có những lợi ích trái ngược, chẳng hạn được mời dự thính công khai trong cuộc nói chuyện do Bộ Ngoại thương tổ chức.

Áp dụng những biện pháp chống bán phá giá

Nếu kết quả điều tra xác định là có sự bán phá giá thì một loại thuế chống bán phá giá có thể được áp dụng trên cơ sở biên độ bán phá giá đã được cuộc điều tra xác định.

Thuế chống bán phá giá được thiết lập dưới hình thức thuế tính theo giá trị hoặc thuế đặc biệt và được thu ngoài các loại thuế và phí nhập khẩu thông thường đối với các sản phẩm bán phá giá.

Thời hạn cuối cùng để áp dụng thuế bán phá giá tối đa là 5 năm kể từ ngày áp thuế. Tuy nhiên, thời hạn này không được dài hơn thời gian cần thiết để bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc cuộc điều tra và sau ít nhất 2 tháng kể từ ngày mở cuộc điều tra, các biện pháp tạm thời dưới dạng thuế chống bán phá giá tạm thời có thể được áp dụng nếu như đã xác định sơ bộ là có sự bán phá giá hoặc trợ cấp, có sự thiệt hại hoặc có mối đe doạ gây thiệt hại và tồn tại quan hệ nhân quả. Việc xác định sơ bộ này dựa trên những kết quả điều tra đầu tiên.

Những biện pháp tạm thời dưới hình thức thuế tính theo giá trị hoặc thuế đặc biệt được xem là một dạng bảo đảm hoặc bảo lãnh với tổng số tiền không vượt quá biên độ phá giá ước tính.

Các loại thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá và có thể thấp hơn biên độ này nếu như mức thấp hơn đó đủ để bồi thường tổn thất gây ra.

Điều khoản tối thiểu và việc nhập khẩu không đáng kể

Cuộc điều tra sẽ khép lại và không một biện pháp nào được áp dụng nếu xác định được:

- Biên độ bán phá giá thấp hơn 2% giá xuất khẩu; và

- Khối lượng hàng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra có xuất xứ từ một nước riêng biệt so với tổng khối lượng hàng nhập khẩu sản phẩm nói trên thấp hơn 3% trừ khi các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ những nước trong đó thị phần mỗi nước chiếm dưới 3% tổng số hàng nhập khẩu và tổng lượng hàng nhập khẩu của những nước này chỉ chiếm trên 7%.

Cam kết giá

Một cuộc điều tra có thể tạm ngừng hoặc khép lại và không áp dụng những biện pháp tạm thời hoặc cuối cùng nếu nhà xuất khẩu cam kết một cách tình nguyện và thoả đáng là sẽ điều chỉnh lại giá hoặc không xuất khẩu với giá bán phá giá nữa .

Trong trường hợp chấp nhận một cam kết về giá, cuộc điều tra có thể được tiến hành một cách có thời hạn nếu nhà xuất khẩu hoặc nước xuất khẩu mong muốn hoặc Bộ Ngoại thương quyết định như vậy. Trong trường hợp này, nếu cuộc điều tra xác định là không có sự bán phá giá, cam kết trên sẽ tự động trở lên vô hiệu. Nếu cuộc điều tra xác định là có sự bán phá giá thì cam kết giá có thể sẽ được bảo lưu.

Tính bảo mật của các thông tin

Tính bảo mật của các thông tin được cung cấp trong các cuộc điều tra chống bán phá giá cần phải được giữ kín đối trừ khi bên cung cấp cho phép phổ biến.

Các nhân viên của Bộ Ngoại thương có thẩm quyền điều tra phải giữ bí mật những thông tin đã được cung cấp trong quá trình điều tra.

Việc xem xét lại

Thuế chống bán phá giá có thể được xem xét lại với điều kiện khoảng thời gian trôi qua không quá lâu kể từ khi thiết lập loại thuế này. Việc xem xét lại có thể được tiến hành nếu chứng minh được sự cần thiết theo ý kiến của Bộ Ngoại thương hoặc theo yêu cầu của nhà xuất khẩu hoặc của nhà nhập khẩu hoặc của đại diện ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sản phẩm bị bán phá giá.

Thủ tục xem xét lại bao gồm việc mở cuộc điều tra đối với các nhà sản xuất xuất khẩu sản phẩm bị bán phá giá và những nhà nhập khẩu cũng như các nhà sản xuất trong nước để quyết định khả năng có điều chỉnh thuế chống bán phá giá hiện hành hay không.

B. Các biện pháp chống trợ cấp (biện pháp bù trừ )

Các điều kiện áp dụng các biện pháp chống trợ cấp (biện pháp bù trừ )

Những biện pháp chống trợ cấp chỉ có thể được đặt ra khi Bộ Ngoại thương xác định sau khi điều tra rằng:

- Sản phẩm đang bị điều tra là đối tượng được trợ cấp

- Việc trợ cấp mang tính đặc thù;

- Việc nhập khẩu sản phẩm được trợ cấp đã gây ra hoặc đe doạ gây tổn thất đối với các nhà sản xuất trong nước có sản phẩm giống hệt hoặc tương tự.

- Chứng minh được sự tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng được trợ cấp và tổn thất gây ra.

Việc mở cuộc điều tra được thực hiện trên cơ sở ngành sản xuất trong nước có đơn gửi Bộ Ngoại thương nêu rõ có sự trợ cấp đặc thù, gây tổn thất và tồn tại mối quan hệ nhân quả.

Xác định có sự trợ cấp

Việc trợ cấp được xem là tồn tại khi sản phẩm bị tố cáo đã được hưởng sự hỗ trợ về tài chính của chính quyền nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu chẳng hạn như cho không, miễn thuế hoặc chính quyền cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ với giá trợ cấp hoặc có hình thức hỗ trợ thu nhập hoặc trợ giá hoặc có ưu đãi dành cho doanh nghiệp được hưởng trợ cấp.

Việc trợ cấp chỉ phải chịu những biện pháp chống trợ cấp khi chúng mang tính đặc thù. Việc trợ cấp được coi là đặc thù nếu việc phân bổ phụ cấp phụ thuộc vào những kết quả xuất khẩu hoặc phụ thuộc vào việc sử dụng sản phẩm trong nước hơn là sản phẩm nhập khẩu. Cũng được xem là đặc thù khi việc trợ cấp chỉ giới hạn cho một doanh nghiệp, một ngành công nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp hoặc nhóm các ngành công nghiệp đặc biệt, có nghĩa là trợ cấp chỉ được dành cho một số doanh nghiệp, một số lĩnh vực công nghiệp hoặc một số vùng địa lý, không tự động cấp cho tất cả những người xin.

Tổn thất và mỗi quan hệ nhân quả

Thuật ngữ “tổn thất” chỉ:

- Một tổn thất lớn gây ra đối với một ngành sản xuất trong nước;

- Mối đe doạ gây ra tổn thất lớn đối với một loại sản phẩm trong nước;

- Gây chậm trễ lớn trong việc hình thành một ngành sản xuất trong nước.

Việc xác định sự tồn tại của một tổn thất lớn dựa trên những yếu tố cấu thành bằng chứng tính cực và dựa trên sự xem xét khách quan:

- Khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp;

- Tác động của việc nhập khẩu hàng được trợ cấp lên thị trường hàng nội địa và lên giá các sản phẩm giống hệt hoặc tương tự trong nước sản xuất cũng như làm giảm trên thực tế và trong tương lai doanh số bán ra, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, năng suất, việc thu hồi vốn đầu tư hoặc việc sử dụng năng lực vv...

- Tác động của những mặt hàng nhập khẩu này đối với các nhà sản xuất trong nước, nhất là làm giảm trên thực tế hoặc trong tương lai doanh số bán ra, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, năng suất, việc thu hồi vốn đầu tư hoặc việc sử dụng năng lực vv...

Việc xem xét mỗi quan hệ nhân quả giữa các mặt hàng nhập khẩu được trợ cấp và tổn thất gây ra đối với ngành sản xuất trong nước sẽ dựa trên việc xem xét tất cả các yếu tố thích đáng cấu thành lên bằng chứng, tất cả các nhân tố và chỉ số kinh tế ảnh hưởng đến tình hình của ngành sản xuất trong nước như giảm doanh thu bán hàng, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, năng suất vv... Như vậy, ngoài bản thân các sản phẩm nhập khẩu trợ cấp ra, tất cả các yếu tố khác gây tổn thất đối với ngành sản xuất trong nước vào cùng thời điểm cũng sẽ được xem xét. Những yếu tố này bao gồm khối lượng và giá hàng nhập khẩu không được trợ cấp của sản phẩm nói trên, sự giảm cầu, những thay đổi trong sơ đồ tiêu dùng và sự tiến triển về kỹ thuật.

Đơn kiện

Khi một ngành sản xuất trong nước cho rằng việc nhập khẩu hàng được trợ cấp gây tổn thất lớn, ngành đó có thể gửi đơn kiện lên Bộ Ngoại thương trong đó nêu rõ những yếu tố xác định có sự trợ cấp, thiệt hại phải chịu và tồn tại mỗi quan hệ nhân quả giữa trợ cấp và tổn thất. Những yếu tố này được quy định trong các hiệp định của WTO về trợ cấp và những biện pháp bù trừ như sau:

- Danh tính của người đưa đơn hoặc của ngành sản xuất được đứng tên trong đơn có kèm theo danh sách của những nhà sản xuất trong nước đã được biết đến.

- Khối lượng và giá trị sản phẩm của người đưa đơn kiện và những nhà sản xuất ủng hộ việc đưa đơn.

- Mô tả đầy đủ sản phẩm nhập khẩu bị xem là bán phá giá và sản phẩm trong nước giống hệt hoặc tương tự với sản phẩm nhập khẩu.

- Tên của một hoặc các nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu sản phẩm bị tố cáo.

- Danh sách các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nước ngoài và các nhà nhập khẩu đã được biết đến.

- Những thông tin về việc có sự trợ cấp, tổng số tiền và bản chất của việc trợ cấp.

- Những thông tin về diễn tiến khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp.

- Những yếu tố về những tổn thất do các mặt hàng nhập khẩu được trợ cấp gây ra (tác động của các mặt hàng nhập khẩu bị tố cáo đối với giá trong nước, tác động thực tế hoặc trong tương lai của các mặt hàng này đối với việc sản xuất, doanh thu bán hàng, thị phần, lợi nhuận, năng suất, việc thu hồi vốn đầu tư, việc sử dụng năng lực sản xuất...).

Đơn kiện phải được sự ủng hộ của các nhà sản xuất trong nước nắm giữ trên 50% lượng sản phẩm của ngành sản xuất trong nước trong đó các nhà sản xuất ủng hộ rõ ràng đơn kiện phải chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng của ngành sản xuất trong nước.

Đơn này phải được gửi làm hai bản:

- Một bản bí mật bao gồm tất cả những số liệu liên quan đến các yếu tố cấu thành bằng chứng trên cơ sở đó sẽ xác định việc trợ cấp và tổn thất gây ra, vv.

- Một bản không bí mật không bao gồm những thông tin mật hoặc không được cung cấp một cách bí mật.

Ngành sản xuất trong nước

Ngành sản xuất trong nước bao gồm toàn bộ các nhà sản xuất trong nước có sản phẩm giống hệt hoặc tương tự trong đó một số nhà sản xuất đóng góp phần lớn vào tổng sản lượng quốc gia sản phẩm nói trên.

Điều tra

- Bắt đầu tiến hành điều tra

Sau khi xem xét những vấn đề nêu trong đơn và mức độ ủng hộ của các nhà sản xuất trong nước, Bộ Ngoại thương có thể quyết định mở một cuộc điều tra nếu các yếu tố cấu thành bằng chứng là thích đáng đủ để chứng minh hành vi này.

Quyết định mở cuộc điều tra được thông báo đến tất cả các bên có liên quan và được thông báo công khai.

Cuộc điều tra sẽ bao gồm cả về trợ cấp lẫn mức độ thiệt hại. Về nguyên tắc, cuộc điều tra phải kết thúc trong thời hạn 9 tháng sau khi bắt đầu thủ tục tố tụng.

- Diễn biến cuộc điều tra

Các nhân viên của Bộ Ngoại thương phụ trách việc điều tra sẽ dựa trên những thông tin do các bên có liên quan cung cấp qua các câu trả lời bộ câu hỏi gửi cho họ ngay sau khi bắt đầu điều tra. Các nhân viên điều tra phải bảo vệ tính bí mật của những thông tin và kiểm tra thông tin để dựa vào đó xác định sự tồn tại của việc trợ cấp, tổn thất gây ra đối với ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa các mặt hàng nhập khẩu được trợ cấp và mức độ thiệt hại gây ra.

Mặt khác, để đảm bảo tính công khai của quá trình tố tụng, những thông tin cơ sở trong bản tường trình không bí mật sẽ được phổ biến cho các bên có liên quan để họ đưa ra những nhận xét.

Các bên có liên quan có quyền tham gia vào cuộc điều tra, kể cả quyền gặp gỡ các bên có những lợi ích trái ngược, chẳng hạn được mời dự thính công khai trong cuộc nói chuyện do Bộ Ngoại thương tổ chức.

Khi nhận thấy những thông tin cung cấp là không đủ hoặc bên liên quan từ chối hợp tác, các phân tích sẽ dựa trên những số liệu sẵn có.

Áp dụng những biện pháp chống trợ cấp

Nếu những nhân viên phụ trách điều tra của Bộ Ngoại thương xác định là có sự trợ cấp và gây tổn thất cho ngành sản xuất trong nước thì một loại thuế chống trợ cấp (hay thuế bù trừ) có thể được áp dụng.

Loại thuế này được thiết lập dưới hình thức thuế tính theo giá trị hoặc thuế đặc thù và được thu ngoài các loại thuế và phí nhập khẩu thông thường đối với các sản phẩm được trợ cấp.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc cuộc điều tra và sau ít nhất 2 tháng kể từ ngày mở cuộc điều tra, một loại thuế chống trợ cấp tạm thời có thể được áp dụng và được xem là hình thức bảo đảm hoặc bảo lãnh với tổng số tiền không vượt quá biên độ trợ cấp ước tính.

Những biện pháp bù trừ không được vượt quá tổng khoản tiền trợ cấp và có thể thấp hơn khoản tiền này nếu như mức thấp nhất cũng đủ bồi thường tổn thất gây ra.

Điều khoản tối thiểu và việc nhập khẩu không đáng kể

Cuộc điều tra sẽ khép lại và không một biện pháp nào được áp dụng nếu xác định được:

- Mức độ trợ cấp thấp hơn 1% giá xuất khẩu; hoặc

- Khối lượng hàng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra có xuất xứ từ một nước riêng biệt so với tổng khối lượng hàng nhập khẩu sản phẩm nói trên chỉ ở mức dưới 4% trừ khi các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ những nước trong đó thị phần mỗi nước chiếm dưới 4% trong tổng số hàng nhập khẩu và tổng lượng hàng nhập khẩu này chỉ chiếm trên 9% .

Tính bảo mật của các thông tin

Bộ Ngoại thương cần phải giữ bí mật những thông tin mật hoặc những thông tin được cung cấp theo chế độ mật trừ khi bên cung cấp cho phép phổ biến.

Các nhân viên của Bộ Ngoại thương có thẩm quyền điều tra phải giữ bí mật những thông tin đã được cung cấp trong quá trình điều tra.

Cam kết giá

Các nhà xuất khẩu hoặc chính quyền của họ có thể cam kết với Bộ Ngoại thương là hạn chế việc trợ cấp hoặc có những biện pháp khác cho phép tăng giá và loại bỏ tổn thất đã gây ra.

Bộ Ngoại thương có thể chấp nhận những cam kết của một nhà xuất khẩu nếu nhà xuất khẩu sẵn sàng xem xét lại giá hoặc từ chối hưởng trợ cấp để loại bỏ khả năng có thể gây tổn hại. Bộ Ngoại thương cũng có thể chấp nhận những cam kết của Chính phủ nước xuất khẩu nếu Chính phủ đó đồng ý loại bỏ hoặc hạn chế việc trợ cấp hoặc có những biện pháp giải quyết khác liên quan đến những tác động của việc trợ cấp nói trên.

Nếu một cam kết được chấp nhận, sản phẩm bị điều tra sẽ không phải chịu thuế chống trợ cấp.

Việc xem xét lại

Việc điều tra xem xét lại cũng có thể tiến hành với điều kiện khoảng thời gian trôi qua không quá lâu kể từ khi thiết lập loại thuế chống trợ cấp và nếu có những yếu tố cấu thành bằng chứng xác nhận các tình tiết liên quan đến trợ cấp và/hoặc gây tổn thất đã thay đổi đáng kể, theo ý kiến của Bộ Ngoại thương hoặc theo yêu cầu của nhà xuất khẩu hoặc của nhà nhập khẩu hoặc của đại diện ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sản phẩm được trợ cấp.

Thủ tục xem xét lại bao gồm việc mở cuộc điều tra đối với các nhà sản xuất xuất khẩu sản phẩm được trợ cấp và những nhà nhập khẩu cũng như các nhà sản xuất trong nước để quyết định khả năng có điều chỉnh thuế chống trợ cấp hiện hành hay không.

C. Các biện pháp tự vệ

Những điều kiện áp dụng các biện pháp tự vệ

Để áp dụng biện pháp tự vệ đối với một sản phẩm, cần phải tiến hành điều tra để xác định:

- Sản phẩm này được nhập khẩu với khối lượng tăng liên tục mang tính tuyệt đối so với hàng sản xuất trong nước; và

- Những sản phẩm nhập khẩu này đang gây ra hoặc đe doạ gây ra tổn thất nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước có những sản phẩm giống hệt hoặc những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu.

- Tồn tại mỗi quan hệ nhân quả giữa việc tăng ồ ạt lượng hàng nhập khẩu đang được xem xét và việc gây tổn thất nghiêm trọng hoặc đe doạ gây tổn thất nghiêm trọng.

Trên cơ sở đơn kiện mà ngành sản xuất trong nước có sản phẩm tương tự hoặc trực tiếp cạnh tranh với với sản phẩm đang được nhập khẩu ồ ạt, gửi Bộ Ngoại thương, chính quyền sẽ mở cuộc điều tra. Đơn này phải bao gồm những yếu tố cấu thành bằng chứng về sự gia tăng nhập khẩu ồ ạt và tổn thất nghiêm trọng hoặc đe doạ gây tổn thất nghiêm trọng do việc nhập khẩu gây ra.

Xác định tổn thất

Việc xác định có tổn thất nghiêm trọng hay không dựa trên tất cả các yếu tố khách quan, có thể lượng hoá đang ảnh hưởng đến tình hình của ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là:

- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu sản phẩm nói trên cả về khối lượng lẫn giá trị dưới góc độ tuyệt đối và tương đối;

- Thị phần thị trường nội địa mà sản phẩm đang nhập khẩu ồ ạt này nắm giữ cũng như những thay đổi trong mức độ bán hàng;

- Diễn biến của sản xuất, sản lượng và việc sử dụng năng lực sản xuất;

- Tình hình lợi nhuận và thua lỗ; và

- Tiến triển của việc làm và lương.

Việc chứng minh tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu ồ ạt hàng và tổn thất gây ra đối với ngành sản xuất trong nước dựa trên việc xem xét các tác động của tất cả các yếu tố có thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (không chỉ dựa trên việc tăng lượng hàng nhập khẩu).

Đơn kiện

Một ngành sản xuất trong nước có sản phẩm giống hệt hoặc tương tự với sản phẩm đang nhập khẩu ồ ạt có thể gửi đơn xin áp dụng những biện pháp tự vệ đến Bộ Ngoại thương. Đơn này phải bao gồm những yếu tố chứng minh có sự tăng mạnh việc nhập khẩu mặt hàng này, gây tổn thất lớn hoặc đe doạ gây tổn thất lớn và tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu và việc gây tổn thất nghiêm trọng.

Đơn này phải được sự ủng hộ của phần lớn các nhà sản xuất trong nước có sản phẩm giống hệt hoặc trực tiếp cạnh tranh với sản phẩm đang được nhập khẩu ồ ạt.

Đơn này phải được gửi làm hai bản:

- Một bản bí mật bao gồm tất cả những số liệu liên quan đến các yếu tố cấu thành bằng chứng; và

- Một bản không bí mật không bao gồm những thông tin mật hoặc không được cung cấp dưới dạng mật.

Ngành sản xuất trong nước

Ngành sản xuất trong nước bao gồm toàn bộ các nhà sản xuất trong nước có sản phẩm giống hệt hoặc trực tiếp cạnh tranh hoặc trong đó một số nhà sản xuất làm ra phần lớn khối lượng sản phẩm nói trên tại Ma-rốc.

Điều tra

Sau khi xem xét những viện dẫn trong đơn và mức độ ủng hộ của các nhà sản xuất trong nước, Bộ Ngoại thương có thể quyết định mở một cuộc điều tra nếu các yếu tố cấu thành bằng chứng là thích đáng đủ để chứng minh hành vi này. Việc mở cuộc điều tra được Bộ thông báo một cách công khai.

Ngay từ khi mở cuộc điều tra, các câu hỏi sẽ được gửi tới các nhà sản xuất trong nước và có thể gửi tới những nhà nhập khẩu sản phẩm nói trên. Thời hạn tối đa để kết thúc cuộc điều tra là 12 tháng kể từ ngày mở cuộc điều tra.

Áp dụng những biện pháp tự vệ

Những biện pháp tạm thời

Trong những tình huống xấu tức là phán đoán mọi thời hạn có thể gây tổn thất nghiêm trọng thì khi đó một biện pháp tự vệ tạm thời dưới dạng thuế bổ sung có thể được áp dụng đối với việc nhập khẩu của một hay nhiều sản phẩm nói trên với điều kiện phải xác định trước có những yếu tố cấu thành bằng chứng, theo đó việc tăng nhập khẩu của một hoặc nhiều sản phẩm nói trên đã hoặc có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc đang cạnh tranh trực tiếp của Ma-rốc.

Loại thuế phụ thu tạm thời này được hình thành dưới dạng thuế tính theo giá trị hoặc thuế đặc thù và được được xem là hình thức bảo đảm hoặc bảo lãnh. Thời gian áp dụng tối đa biện pháp tạm thời là 200 ngày.

Các biện pháp cuối cùng

Những biện pháp tự vệ cuối cùng có thể được áp dụng đối với việc nhập khẩu một hoặc nhiều sản phẩm nếu cuộc điều tra xác định việc tăng nhập khẩu ồ ạt của một hoặc nhiều sản phẩm này đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước của một hoặc nhiều sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong đó có tính đến những lợi ích thương mại của Ma-rốc.

Những biện pháp tự vệ cuối cùng có thể được thực hiện dưới dạng thuế phụ thu nhập khẩu dựa trên giá trị hoặc tính đặc thù hoặc dưới dạng hạn chế khối lượng nhập khẩu. Các biện pháp này được thiết lập theo Nghị định của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại thương sau khi lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan.

Giai đoạn áp dụng toàn bộ biện pháp tự vệ, kể cả giai đoạn áp dụng biện áp tạm thời và biện pháp cuối cùng không được vượt quá 4 năm.

Việc xem xét lại

Bộ Ngoại thương phải tiến hành xem xét lại những biện pháp tự vệ vào giữa giai đoạn áp dụng khi thời gian áp dụng biện pháp vượt quá 3 năm.

Sau khi xem xét lại và lấy ý kiến cả các bộ ngành có liên quan, Bộ Ngoại thương có thể quyết định huỷ bỏ, đình chỉ hoặc đẩy nhanh việc loại bỏ dần dần những biện pháp tự vệ đang được xem xét lại.

Việc áp dụng một biện pháp tự vệ có thể được gia hạn với điều kiện sau khi xem xét lại chứng minh được rằng biện pháp tự vệ vẫn còn cần thiết cho việc phòng ngừa và bồi thường tổn thất nghiêm trọng và vẫn còn những yếu tố tạo lên bằng chứng theo đó ngành sản xuất phải tiến hành các điều chỉnh.

Do vậy, thời hạn áp dụng hoàn toàn một biện pháp tự vệ, kể cả giai đoạn áp dụng biện pháp tạm thời, giay đoạn áp dụng ban đầu và thời gian có thể gia hạn không được vượt quá 8 năm và có thể lên đến 10 năm đối với Ma-rốc theo quy định dành cho những nước đang phát triển thành viên của WTO.

Tính bảo mật của các thông tin

Những thông tin mật được cung cấp trong quá trình điều tra phải được giữ kín trừ khi bên cung cấp cho phép phổ biến.

Các nhân viên của Bộ Ngoại thương có thẩm quyền điều tra phải giữ bí mật những thông tin mật hoặc được cung cấp theo chế độ mật.

Nguồn: thongtinthuongmaivietnam.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm