Các nhà xuất khẩu tôm nước ngoài vào thị trường Mỹ bị đối xử bất công

06/04/2007 12:00 - 1645 lượt xem

Trong bài đăng trên trang nhất, nhật báo Wall Street ngày 2-4 phân tích cuộc tranh chấp về giá cả giữa các nhà sản xuất tôm Mỹ với các nước xuất khẩu tôm ở Mỹ La-tinh và châu Á, trong đó có Việt Nam, những nước đang chịu sự đối xử bất công về thương mại do chính sách bảo hộ của Mỹ.

Bài báo cho biết: Trong ba thập kỷ qua, ông John Wiliams, hiện là Giám đốc chấp hành Liên minh các nhà sản xuất tôm miền Nam nước Mỹ (SSA), sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt tôm ở vịnh Mexico. Giờ đây, ông ta đang đánh bắt thứ khác, đó là... bắt chẹt tiền của các đối thủ nước ngoài.

Ông Wiliams là người đồng sáng lập SSA hồi năm 2002 để giúp những người đánh tôm Mỹ chống lại sự cạnh tranh của mặt hàng tôm nuôi giá rẻ nhập khẩu từ châu Á và Mỹ La-tinh. SSA đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng thuế đánh vào mặt hàng tôm nhập khẩu từ 6 nước hồi cuối năm 2003, viện cớ các nước này bán phá giá tôm ở Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi thắng kiện - với kết quả là Mỹ tăng thuế tôm nhập khẩu và mang lại cho các nhà sản xuất tôm Mỹ khoản tiền bồi thường 100 triệu USD, ông Wiliams và liên minh của ông ta còn muốn hơn thế nữa.

Với sự hỗ trợ của một công ty luật ở New York, các nhà sản xuất tôm Mỹ đã gửi đơn kháng nghị đặc biệt lên Chính phủ Mỹ, đe dọa kiện các nhà sản xuất tôm nước ngoài để buộc họ phải trả tiền thuế cao hơn nữa. Hành động này đã làm hơn 100 công ty xuất khẩu tôm vào Mỹ hoảng sợ, và họ đã phải trả hàng triệu USD cho SSA để đổi lại lời hứa ngừng vụ kiện này.

SSA nói họ sử dụng số tiền này để phục hồi sản xuất trước 'cơn lũ' mặt hàng tôm giá rẻ nhập khẩu. Khoản tiền này còn được dùng để thuê luật sư tiến hành các vụ kiện tụng liên quan đến buôn bán tôm, và trả cho những người vận động hành lang để tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội đối với ngành nuôi tôm ở Mỹ...

Hành động của SSA đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về những khoản tiền thu được của họ. Nhiều ý kiến lo ngại rằng các nhà sản xuất tôm Mỹ đã khai thác một cách bất công những đạo luật được đưa ra để bảo vệ hoạt động kinh doanh ở trong nước trước các hành vi buôn bán không công bằng. Dan Ikenson, làm việc tại Viện Cato, một cơ quan nghiên cứu về chiến lược thị trường tự do, cho rằng "có một cái gì đó không công bằng khi ngành công nghiệp tôm trong nước bắt chẹt một khoản tiền lớn của các nhà sản xuất tôm nước ngoài".

Trong gần 100 năm qua, luật pháp Mỹ đã bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước hàng nhập khẩu giá quá thấp. Đạo luật hiện hành cho phép các doanh nghiệp trong nước yêu cầu đánh thuế hàng nhập khẩu để giảm bớt lợi thế giá cả của các nhà cạnh tranh nước ngoài khi họ đưa hàng vào Mỹ với giá thấp hơn giá thành nhằm giành giật thị phần.

Điều đáng tranh cãi hơn là điều luật bổ sung Byrd từ năm 2000 đã cho phép chính phủ chuyển khoản tiền thu được từ thuế chống bán phá giá cho các công ty Mỹ phát đơn kiện về tình trạng giá hàng nhập khẩu thấp. Điều luật bổ sung này dự kiến sẽ bị hủy bỏ vào tháng 10 tới, bởi lẽ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng nó trừng phạt các nhà xuất khẩu hai lần.

Những người chỉ trích cho rằng sách lược của SSA sẽ vạch đường cho các ngành công nghiệp khác của Mỹ bắt chẹt các đối thủ cạnh tranh nước ngoài phải trả tiền cho họ ngay cả sau khi điều luật bổ sung Byrd hết hiệu lực.

Quảng cáo sản phẩm