Các nước phản ứng việc áp thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ: Vừa phòng ngừa vừa răn đe

23/05/2018 11:31 - 886 lượt xem

EU và Ấn Độ cho biết đã gửi tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) danh sách những biện pháp được dự định để "trả đũa" Mỹ cho trường hợp bị nước này áp thuế quan bảo hộ thương mại như phía Mỹ đã tuyên bố.

Nhật Bản cũng tiết lộ là sẽ trả đũa Mỹ nếu bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ nhưng chưa cho biết cụ thể. Trong khi đó, Trung Quốc và một số nước khác vẫn tiếp tục thương thảo với Mỹ. Việc gửi tới WTO bản danh sách nói trên chưa phải là chính thức khởi kiện Mỹ tại WTO nhưng là bước đi chuẩn bị cần thiết. Nó được so sánh với "đạn đã lên nòng, nhưng chưa sẵn sàng bắn". 

EU hành động như vậy trong bối cảnh là nếu đến trước ngày 1/6 tới đây mà không đạt được thoả thuận khác với Mỹ (theo hướng chủ yếu là đáp ứng yêu cầu của Mỹ), thì không còn được phía Mỹ coi là trường hợp ngoại lệ nữa, tức là sẽ bị nước này áp thuế quan bảo hộ thương mại.
Động thái trên của EU nhằm đồng thời 2 mục đích. Thứ nhất, EU chuẩn bị sẵn sàng để có thể "trả đũa" Mỹ ngay lập tức. Nếu chỉ nhằm mục tiêu "có đi có lại" thì EU không cần phải thông báo chủ ý này cho WTO. EU vẫn làm vậy vì muốn có được chính danh ở WTO và qua đó tăng thế cho trường hợp rồi đây khởi kiện Mỹ ở WTO, tức là vừa trả đũa Mỹ trên thực tế ngay lập tức lại vừa chuẩn bị cho trường hợp khởi kiện Mỹ ở WTO sau này.

Thứ hai là răn đe Mỹ. Bằng việc lôi kéo WTO ngay từ đầu như thế, EU muốn cảnh báo và răn đe phía Mỹ là EU không nhượng bộ và phía Mỹ đã được báo trước về hậu quả và hệ luỵ.

Tuy vừa phòng ngừa vừa răn đe như thế, trong thâm tâm EU rất muốn đạt được thoả thuận với Mỹ hoặc tiếp tục được Mỹ coi là trường hợp ngoại lệ. Vấn đề ở chỗ Mỹ hiện vẫn đòi EU phải đáp ứng điều kiện chứ không sẵn sàng đàm phán với EU về điều kiện. 

Chính quyền của ông Trump tiến hành đàm phán với nhiều đối tác khác nhưng lại trừ EU. Đồng thời qua việc này, giới phân tích đánh giá, giữa Mỹ và EU còn đang mầm mống xung khắc lợi ích khác nữa vốn là một hệ luỵ của việc Mỹ rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Mỹ áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran và nếu cứ như trước thì cũng còn sẽ nhằm cả vào những công ty và cá nhân từ phía EU có quan hệ hợp tác với Iran, tức là Mỹ thù địch Iran nhưng đồng thời làm tổn hại lợi ích của EU trong quan hệ hợp tác của EU với Iran. 

EU càng có lý do xác đáng và lợi ích thiết thực với việc phòng ngừa và răn đe Mỹ. EU sẽ càng thêm khó xử nếu Mỹ đánh đổi việc EU cũng rút ra khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran để không bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch. Xem ra, phía EU cho đến nay vẫn chưa tìm ra được cách thức thích hợp để xử lý mọi khía cạnh quan hệ với Mỹ ở thời chính quyền của ông Trump ở Mỹ.
Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị
Quảng cáo sản phẩm