Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) - đối tác rất tiềm năng cho xuất khẩu của Việt nam

12/01/2009 12:00 - 1355 lượt xem

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) là một đối tác rất tiềm năng, đặc biệt là về tiêu thụ hàng hóa và khả năng về vốn lớn. Hơn nữa, quốc gia này hiện chịu không nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế.

Khi các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đều “co” lại, kỳ vọng đang chuyển hướng sang Trung Đông.

Trong kế hoạch thu hút đầu tư cũng như đẩy mạnh xuất khẩu năm 2009, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói đến khu vực Trung Đông như là một giải pháp cho những khó khăn trước mắt do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) là một đối tác rất tiềm năng, đặc biệt là về tiêu thụ hàng hóa và khả năng về vốn lớn. Hơn nữa, quốc gia này hiện chịu không nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế.

Điểm đáng chú ý là ngoài thị trường tiêu thụ khá “dễ tính”, UAE còn là “trạm” trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực Trung Đông và châu Phi, đồng thời cũng rất coi trọng cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Nhận xét về UAE, Đại sứ Việt Nam tại nước này, ông Nguyễn Quang Khai cho rằng: “Cái tạo nên sự giàu có của UAE chính là tầm nhìn, là tư duy”.

Không thể phủ nhận UAE giàu vì dầu mỏ, nhưng với khoảng 2,8 triệu thùng/ngày, sản lượng khai thác dầu của đất nước này không đủ để đem về con số GDP/người khoảng 37.000 USD một năm.

Theo ông Nguyễn Quang Khai, nhiều doanh nghiệp UAE đang đánh giá cao Việt Nam vì sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư nhiều ưu đãi, luật đầu tư dễ dàng và lực lượng lao động trẻ.

Với tiềm lực mạnh về vốn, các doanh nghiệp của UAE đã nghiên cứu và có kế hoạch đầu tư vào nhiều những dự án lớn về bất động sản và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp UAE đang triển khai dự án tổ hợp khách sạn 5 sao Hạ Long Star (Quảng Ninh) trị giá 220 triệu USD, khu đô thị mới tại Thủ Thiêm trị giá khoảng 700 triệu USD, và một dự án khá đặc biệt là đặc khu kinh tế Phú Yên.
Phía UAE nhìn nhận Phú Yên có một vị trí đặc biệt, có thể phát triển thành nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung khu tài chính, thương mại của cả khu vực. Vì vậy dự án nhắm tới mục tiêu xây dựng một thành phố giống như Dubai, có thể nối liền chuỗi đô thị với Hồng Kông, Singapore.

Thứ hai là đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Phía UAE rất quan tâm đến đầu tư các nhà máy lọc, hóa dầu. Đây cũng là lĩnh vực có thế mạnh của UAE. Ngoài ra, các doanh nghiệp UAE cũng quan tâm đầu tư vào cảng biển và các nhà máy đóng tàu cao cấp tại Việt Nam.

Một lĩnh vực nữa là hợp tác trong nông nghiệp. Có lẽ do đất đai họ toàn sa mạc nên không trồng được cây cối gì. Họ muốn thành lập các nông trường chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp thực phẩm cho họ.

Một doanh nghiệp của UAE mới đây đã đưa 3000 con cừu vào Ninh Thuận để nuôi thử nghiệm. Doanh nghiệp này có kế hoạch nếu triển khai nuôi thử thành công sẽ phát triển tiếp ra hai tỉnh khác, xây dựng nhà máy chế biến và thức ăn chăn nuôi...
Một dự án trồng lúa hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu. Phía UAE đang mong muốn tìm khoảng 10 nghìn ha đất để triển khai dự án và sẽ đưa giống của họ vào trồng tại Việt Nam và cung cấp sản phẩm trở lại cho nước này.

Nhiều cơ hội, nhưng thiếu thông tin

Về thương mại, hai quốc gia Việt Nam - UAE có nhiều tiềm năng cho trao đổi hàng hóa hai chiều.

Ở vị trí "cửa ngõ" vịnh Ba Tư, các cảng biển của UAE có lợi thế lớn trong giao lưu thương mại với châu Phi, các nước Ả Rập và cả châu Âu. Ông Nguyễn Quang Khai cho biết, UAE là thị trường khá dễ tính, hàng gì cũng có thể bán được, do đây là nơi trung chuyển đi châu Phi những hàng hóa rẻ tiền. Với thị trường châu Âu và các nước vùng Vịnh thì hàng hóa cao cấp hơn.

UAE là một thị trường hàng hóa phong phú và đa dạng từ phẩm cấp đến giá cả. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của quốc gia này vào khoảng 365 tỷ USD. Riêng Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này hàng năm đạt khoảng 23 tỷ USD/năm.
Việt Nam mới đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 500 triệu USD trong năm 2008 (năm 2007 chỉ khoảng 250 triệu USD), chiếm thị phần rất nhỏ tại thị trường này.

Hơn nữa đây là thị trường rất dễ dàng về luật lệ vì ngoại trừ 5% thuế quan, ngoài ra không có thêm bất kỳ loại thuế nào, đưa hàng sang rất dễ dàng, không có yêu cầu gì về bảo hộ hay đăng ký, doanh thu có thể chuyển thành tiền mang về nước mà không ai có ý kiến gì cả.

UAE nhập khẩu rất nhiều loại hoa quả nhiệt đới như chuối, nhãn, vải, chôm chôm... nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào UAE còn rất hạn chế. Ngoài ra, hàng dệt may, giày dép, gạo, các loại rau xanh - những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam - cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Ngược lại, Việt Nam có thể nhập khẩu các sản phẩm như khí đốt, phân đạm, dầu thô... Ví dụ như nhà máy lọc dầu Dung Quất hay các nhà máy Việt Nam sắp làm tới đây thì có thể phải tiến hành đàm phán hợp đồng ngay, vì dầu thô thì không thể cứ có tiền là mua ngay được mà phải ký trước hợp đồng vài ba năm để họ đưa vào kế hoạch.

Một lĩnh vực cũng có nhiều cơ hội để hợp tác, đó là xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn. UAE hiện có tới 4,8 triệu lao động nước ngoài, trong đó có tới 1,5 triệu lao động Ấn Độ. UAE có chủ trương đa dạng hóa lao động các nước. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp lao động Việt Nam.

Hiện mới có khoảng 20 nghìn lao động Việt Nam tại UAE. Phía bạn có dự kiến xây dựng làng châu Á, trong đó có 500 nghìn lao động người Việt Nam. UAE mong muốn xây dựng trường học, cơ sở dạy nghề... để thu hút lao động Việt Nam sang sinh sống và cư trú lâu dài tại đây.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Khai cho rằng cái thiếu của doanh nghiệp Việt Nam là thông tin về thị trường này. Người Ả Rập ra quyết định rất nhanh chóng. Vì vậy, doanh nghiệp đến với UAE thì cần phải có sản phẩm, có giá chào hàng chứ không phải cứ giới thiệu tiềm năng, hay đi để cho biết như trước kia được.

UAE là một nước có diện tích nhỏ, chỉ 83.600 km2 (tức là bằng khoảng một phần tư lãnh thổ Việt Nam), nhưng nổi tiếng thế giới ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự xa hoa của các công trình xây dựng khổng lồ, của những dịch vụ xa xỉ.

Nằm giữa sa mạc, khai thác dầu mỏ chỉ chiếm khoảng 6% GDP, nhưng Tiểu vương quốc Dubai (thuộc UAE) là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, trung tâm thương mại, tài chính, du lịch và cảng biển của khu vực. Tiểu vương quốc trên 2 triệu người này, mỗi năm tạo ra khoảng 37 tỷ USD sản phẩm, dịch vụ.

Bên cạnh Dubai, Tiểu vương quốc Abu Dhabi cũng đang nổi lên như một ốc đảo xa hoa. Theo kế hoạch phát triển của UAE, từ nay đến 2015, khoảng 200 tỷ USD sẽ được đổ vào để xây dựng nơi đây thành một “Dubai” thứ hai.

Nguồn: http://www.vinanet.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm