Cách nào tránh rủi ro phòng vệ thương mại khi thặng dư với Hoa Kỳ liên tục tăng?

30/11/2020 12:00 - 205 lượt xem

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam tăng đã khiến nhiều ngành hàng của Việt Nam đã phải đối diện với các cuộc điều tra về phòng vệ thương mại. Đâu là giải pháp để có thể tránh được những rủi ro tương tự trong tương lai, đặc biệt trong xu hướng bảo hộ ngày một gia tăng hiện nay?

Đối diện nguy cơ phòng vệ thương mại vì thặng dư liên tục tăng

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, hiện cơ quan đại diện của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi kiện điều tra tập trung đối với một số ngành hàng như gỗ nội thất, lốp xe của Việt Nam. Theo đó, phía Mỹ muốn làm rõ việc Việt Nam có can thiệp quá nhiều vào tỷ giá hối đoái, từ đó dẫn tới gia tăng thâm hụt thương mại hay không?

Điều này xuất phát từ việc thâm hụt thương mại của Hoa kỳ với Việt Nam ngày một tăng. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, việc thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải do tỷ giá mà nằm ở chính cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu, phụ kiện từ các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN rồi sau đó sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ.

Chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2020, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - cho biết: Hoa Kỳ hiện chiếm hơn 50% tổng lượng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng hàng năm rất cao, lên tới 30%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, lượng gỗ nhập khẩu từ Hoa kỳ vào Việt Nam dù có tăng trưởng nhưng không nhiều. Năm 2019, gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt khoảng 300 triệu USD và trong 9 tháng năm 2020 là 229 triệu USD.

Lý giải nhập khẩu gỗ từ Hoa Kỳ vào Việt Nam không có sự tăng trưởng tương ứng với xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ, ông Phương cho biết: Gỗ Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam không phải để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ngược lại Hoa Kỳ, mà để tiêu thụ trong chính thị trường nội địa. Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến cho sức tiêu thụ tại các kênh nghỉ dưỡng và khách sạn sụt giảm, khiến lượng nhập khẩu đi xuống. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, bên cạnh nguồn gỗ bản địa, thị trường này cũng chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Vì thế, với chính sách trồng rừng của Việt Nam, những năm qua, các sản phẩm gỗ tràm, gỗ cao su đã đóng góp rất lớn trong xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này.

Cách nào tránh rủi ro?

Nói về động thái điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với ngành gỗ Việt Nam gần đây, ông Phương cho biết, trước chính sách áp thuế của Hoa kỳ lên sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc, nhiều DN sản xuất đồ gỗ của Trung Quốc, Đài Loan đã dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. Đáng chú ý, bên cạnh nhưng DN dịch chuyển hợp pháp, có những DN chỉ dịch chuyển một phần sản xuất đơn giản nhằm lẩn tránh thuế.

Theo ông Phương, trong xu hướng dịch chuyển của DN gỗ các nước về Việt Nam, DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để dẫn dắt chuỗi cung ứng ngành gỗ. Vì thực tế đã cho thấy, các DN Việt Nam mới là DN có sự đầu tư thực sự về công nghệ, trong khi các DN FDI tới Việt Nam phần lớn vẫn là nhằm tận dụng nhân công giá rẻ. Do đó, ông Phương kiến nghị: “Chính phủ cần có chính sách quản lý các DN FDI hợp lý hơn và có giải pháp kiểm soát cán cân thương mại để không có sự tăng trưởng đột biến như thời gian vừa rồi”- ông Phương nêu ý kiến.

Ở góc độ hiệp hội, HAWA cũng hợp tác chặt chẽ với Hội đồng gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) nhằm đẩy mạnh nhập khẩu gỗ từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Theo đó, vào tháng 12 tới, HAWA và AHEC sẽ tổ chức hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà thiết kế Việt Nam thông tin về gỗ cứng Hoa Kỳ và thị hiếu sử dụng gỗ trên thế giới. Tiếp đó là một hội thảo bàn tròn gồm các nhà nhập khẩu, xuất khẩu để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu dùng gỗ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Câu chuyện của ngành dệt may là một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc giảm bớt thặng dư thương mại đối với Hoa Kỳ. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may Việt Nam dự kiến đạt khoảng 35,3 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 42%. Song chiều ngược lại, Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu bông lớn nhất của Hoa Kỳ và Vitas đang tiếp tục thúc đẩy các nhà máy kéo sợi Việt Nam nhập khẩu bông Mỹ. Theo đó, năm nay, xuất khẩu sợi các loại của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng trên 3 tỷ USD.
 
Quảng cáo sản phẩm