Cần bảo đảm thương mại công bằng

12/08/2017 12:00 - 872 lượt xem

Vừa qua, trong khuôn khổ vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tổ chức phiên tham vấn công khai để tạo điều kiện cho các bên liên quan trình bày ý kiến và cung cấp thông tin cần thiết trước khi ban hành kết luận cuối cùng.

Ngày 7/7/2016, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được hồ sơ của Công ty TNHH Posco SS Vina yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) vì cho rằng, việc nhập khẩu sản phẩm trên đã cản trở sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra hành vi bán phá giá, giai đoạn điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước từ ngày 1/4/2015 - 31/3/2016.
Tại phiên tham vấn công khai, ông Bùi Anh Sơn - Trưởng phòng Kinh doanh thép hình (Công ty Posco SS Vina) - cho biết: Từ tháng 3/2015, xưởng luyện và cán thép của công ty được vận hành với công suất 500.000 tấn thép thanh và 500.000 tấn thép hình mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu sản xuất đến nay, tốc độ giảm giá của hàng Trung Quốc gia tăng đáng kể, lượng nhập khẩu ngày càng tăng gây khó khăn lớn trong hoạt động kinh doanh của công ty. Mặc dù các sản phẩm thép hình chữ H của công ty có chất lượng vượt trội nhưng các doanh nghiệp trong nước đều yêu cầu hạ giá sản phẩm theo tiêu chuẩn giá nhập từ Trung Quốc.

Thực tế, số liệu điều tra cho thấy, lượng nhập khẩu thép hình từ Trung Quốc tăng từ 51% năm 2011 lên 93% trong quý I/2016; giá nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc thấp hơn từ 40 - 50% so với giá nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong suốt thời gian điều tra.
Ý kiến từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành công nghiệp thép Việt Nam trong những năm qua đã dần khẳng định vị trí trên trường quốc tế, với vị trí thứ 19 về sản xuất (đứng thứ 10 về tiêu thụ thép năm 2016). Năng lực sản xuất thép hình của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn, tính riêng thép chữ H là khoảng 500.000 tấn/năm (chiếm 50% tổng năng lực sản xuất thép hình của cả nước). Sản xuất thép hình năm 2016 đạt 253.829 tấn, thép chữ H sản xuất được 207.785 tấn; 5 tháng đầu năm 2017, sản xuất thép hình đạt 176.320 tấn, trong đó thép chữ H đạt 138.366 tấn. Năm 2016, sản lượng thép hình chữ H bán ra đạt 191.305 tấn; 5 tháng đầu năm 2017 đạt 139.017 tấn. Đáng chú ý, lượng bán thép hình chữ H nội địa chỉ 31.137 tấn (chiếm 16,2% tổng lượng bán hàng thép chữ H) và 34.472 tấn trong 5 tháng đầu năm (chiếm 24,79% tổng lượng bán hàng thép chữ H). Trong khi đó, lượng thép hình chữ H nhập khẩu năm 2016 khoảng 450.000 tấn, chiếm 90% thị phần trong nước.

Vì vậy, VSA kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét và có quyết định bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi thương mại không công bằng, giúp ngành phát triển ổn định, giảm bớt khó khăn trước mắt và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng cho rằng, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là giải pháp trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cần tận dụng kết quả ban đầu có ý nghĩa tích cực để dần ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ khép kín; nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trên chính “sân nhà” và thị trường quốc tế.

Hiện tại, Bộ Công Thương vẫn đang áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế từ 21,18 - 36,33%. Việc áp thuế đã được thực hiện từ ngày 5/4/2017, có hiệu lực 120 ngày. Bên cạnh đó, một số công ty sản xuất, nhập khẩu thép hình chữ H cũng đã nộp bản trả lời câu hỏi điều tra vụ việc.

Nguồn: Báo Công thương
Quảng cáo sản phẩm