Căng thẳng thương mại gia tăng

29/11/2009 12:00 - 1102 lượt xem

Từ trước đến nay đã có khá nhiều tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên không ai mong đợi một cuộc chiến thương mại toàn diện xảy ra giữa hai nền kinh tế khổng lồ này.

Tháng 9 vừa qua, Bộ thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm xe hơi và thịt gà nhập khẩu từ Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc, với tư cách là quốc gia phát triển và đang phát triển lớn nhất trên thế giới đã từng là đối tác bổ sung và phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ xuất-nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay, quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế này lại đang rơi vào thời kỳ tồi tệ với sự gia tăng căng thẳng trong thương mại, khiến cho mối quan hệ này trở thành chủ đề xuyên suốt của trong các cuộc thảo luận gần đây.

Căng thẳng bắt đầu từ 11/09/2009, khi tổng thống Mỹ, Barack Obama quyết định áp thuế trừng phạt có thời hạn 3 năm đối với sản phẩm lốp xe hơi và xe tải hạng nhẹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước chuyến thăm của tổng thống Obama tới Trung Quốc vào ngày 15 tháng 11, Mỹ đã thực thi hàng loạt các hành động bảo hộ thương mại đối với Trung Quốc, cụ thể là đối với các mặt hàng lốp xe, ống dẫn dầu, giấy và các hóa chất như kali pyrophosphate, monokali photphat và kali hydrogen phosphate. Tần suất khởi xướng các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp như trên được xem là mức khá cao trong lịch sử thương mại thế giới.

Để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất nội địa, Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại với việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng xe hơi và thịt gà nhập khẩu từ Mỹ.

Mặc dù những tranh chấp nói trên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên, những căng thẳng gần đây đã bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp và các ngành sản xuất Trung Quốc.

Tại hội thảo về phát triển thương mại quốc tế tổ chức vào ngày 07/11 tại Tianjin, Yao Jian, người phát ngôn của Bộ thương mại Trung Quốc (MOFCOM), cho biết căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng, đồng thời việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc.

Tại sao căng thẳng thương mại xảy ra vào thời điểm này?

Các biện pháp bảo hộ thương mại do Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc được thực hiện trên cơ sở “khung tăng trưởng cân đối, bền vững và mạnh mẽ” do Tổng thống Obama đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 được tổ chức tại thành phố Pittsburgh. Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính là hậu quả của tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự mất cân đối thương mại Mỹ - Trung Quốc. Các biện pháp bảo hộ này nhằm lấy lại cán cân thương mại giữa hai quốc gia, thu hẹp thặng dư thương mại cũng như buộc Trung Quốc phải nâng giá đồng nhân dân tệ.

Quan điểm này của Chính phủ Mỹ đã vấp phải sự phản đối của người dân Trung Quốc. Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Trung Quốc và trật tự kinh tế thế giới” được tổ chức tại Bắc Kinh hôm 23 tháng 10 vừa qua, ông Wu Xiaoling, Phó Chủ tịch Ủy ban kinh tế tài chính của Ban thường trực Quốc hội khóa 11 cho biết, thặng dư hay thâm hụt thương mại xuất phát từ rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là do những thay đổi trong năng suất lao động và sự khác biệt về chi phí lao động. Có thể thấy một xu hướng rõ rệt trên thế giới hiện nay đó là những quốc gia đã làm chủ những công nghệ mới, dẫn đầu là Mỹ, đang dần chuyển giao những ngành công nghiệp chế tạo sang những nền kinh tế mới nổi có giá lao động rẻ hơn để tập trung phát triển khối dịch vụ, tài chính và những ngành công nghiệp công nghệ cao. Chính những thay đổi trong xu thế sản xuất và các ngành công nghiệp chế tạo đã quyết định thặng dư thương mại.

Ông cũng cho biết thêm, sau khi thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi, đồng mark Đức và yen Nhật đều tăng giá so với đồng đôla Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, sự tăng giá của các đồng tiền này cũng chưa bù đắp được thặng dư thương mại của Đức và Nhật trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Theo ông Tu Xinquan, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu WTO thuộc trường Đại học kinh tế và kinh doanh quốc tế Trung Quốc cho biết việc gia tăng căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trên thực tế có liên quan chặt chẽ đến tình hình kinh tế Mỹ hiện nay, khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và suy thoái trong các ngành công nghiệp đang chi phối tình hình chung của nền kinh tế. Để bảo hộ thị trường và đảm bảo việc làm trong nước, Chính phủ Mỹ đã không ngần ngại thực thi chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế không phải là động cơ duy nhất thúc đẩy Mỹ áp dụng các biện pháp mang tính chất bảo hộ. Trên thực tế, sức ép chính trị trong nước đóng vai trò ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định nói trên. Nhìn chung, trong các hành động chống cạnh tranh, các yếu tố mang tính chiến lược nhiều khi đóng vai trò quan trọng hơn các nhân tố kinh tế. Theo ông Tu, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và các xung đột chính trị bên trong nước Mỹ sẽ khiến quốc gia này tìm cách ngăn chặn dòng hàng hóa từ Trung Quốc.

Theo Mei Xinyu, một nghiên cứu viên tại Học viên Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế của Trung Quốc, sở dĩ Trung Quốc phải gánh chịu những biện pháp bảo hộ như hiện nay bởi quốc gia này chưa có những biện pháp trả đũa hiệu quả trong quá khứ. Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc rất hiếm khi sử dụng các công cụ trả đũa thương mại trong các vụ tranh chấp. Ngay cả khi áp dụng những biện pháp trả đũa, mức độ thực thi cũng không đủ mạnh khiến các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài lờ đi và tiếp tục thực hiện những hành động nhằm bảo vệ lợi ích của họ.

Mặc khác, khi phải đối mặt với những vụ điều tra liên quan đến những biện pháp khắc phục thương mại đã áp dụng, các doanh nghiệp Trung Quốc thường không có được hiểu biết đầy đủ hoặc khả năng vững chắc để tham gia quá trình tố tụng một cách hiệu quả. Phân tích của Mei cho thấy trong một số vụ điều tra, Trung Quốc thậm chí không có phản ứng khi bị áp thuế hoặc chịu phạt, tạo cảm giác yếu thế và dễ bị lấn át, từ đó càng khuyến khích các chính phủ nước ngoài áp dụng biện pháp bảo hộ nhiều hơn.Hiện giờ, tình trạng như trên lại lặp lại giữa Trung Quốc và Mỹ do Trung Quốc còn khá dè dặt khi đối phó với các vụ tranh chấp thương mại và chỉ áp dung những biện pháp trả đũa mang tính hình thức.

Khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại?

Một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ chỉ gây thiệt hại kính tế và tài chính đối với cả hai bên. The ông Yao, Trung Quốc luôn phản đối chủ nghĩa bảo hộ, coi đó là hành động đe dọa đến môi trường thương mại quốc tế và làm hạn chế tác dụng của các biện pháp kích thích kinh tế đang được triển khai trên quy mô toàn cầu, đồng thời gây trở ngại cho quá trình phục hồi kinh tế.

Tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tổ chức hôm 10 tháng 11, người phát ngôn Qin Gang cho biết Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ cùng nỗ lực với nước này trong việc giải quyết ổn thỏa các căng thẳng và những vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên.

Theo người phát ngôn Qin, quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc – Mỹ là một trong những trụ cột của quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia này. Trong những năm gần đây, hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể chưa từng có, khiến hai quốc gia trở thành những đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Những căng thẳng và tranh chấp thương mại cần được giải quyết theo cách hợp lý thông qua trao đổi và tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Theo ông Qin, nếu không được giải quyết hợp lý, những căng thẳng trong thương mại có thể leo thang dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Liu Xiaozhong, một nghiên cứu viên tại Viện Mạng lưới kinh tế Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, trong một bài báo đăng tải trên mạng internet đã chỉ rõ, trong bối cảnh khung hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, có sự khác biệt rõ ràng về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Những gì Mỹ hy vọng Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán lại là những điều Trung Quốc không thể chấp nhận trong ngắn hạn. Ngược lại, những gì Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ duy trì, ví dụ như thâm hụt thương mại ở mức trung bình và một tỷ giá đồng đôla Mỹ ổn định lại là điều Mỹ không thể kiểm soát được tại thời điểm này.

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng, tuy nhiên trả lời phỏng vấn của tạp chí Beijing Review, rất nhiều nhà kinh tế vẫn tỏ ra lạc quan về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhà kinh tế đều thống nhất quan điểm rằng cả hai quốc gia đều là những cường quốc kinh tế trên thế giới, do đó rất ít khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến thương mại khi mà điều đó không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào.

Xung đột thương mại Trung Quốc - Mỹ trong 2 tháng qua:

Phía Mỹ:

Ngày 9 tháng 9, Bộ thương mại Mỹ đã quyết định áp thuế đối với sản phẩm ống dẫn dầu của Trung Quốc. Thuế suất dao động từ mức 10.9% đến 30.6%

Ngày 11 tháng 9, Tổng thống Obama quyết định áp thuế trừng phạt với thời hạn 3 năm đối với mặt hàng lốp oto và xe tải hạng nhẹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế suất được ấn định ở mức 35% cho năm đầu tiên, 30% cho năm thứ hai và 25% cho tiếp theo.

Ngày 28 tháng 10, Bộ thương mại Mỹ công bố kế hoạch sẽ áp thuế từ 7.44% đến 12.06 % đối với mặt hàng thép lưới và thép dây nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngày 30 tháng 10, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận và 0 phiếu chống cho việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép đúc nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế chống bán phá giá được được yêu cầu lên đến 98.37%.

Ngày 3 tháng 11, Bộ thương mại Mỹ áp thuế đối kháng tạm thời từ 2.02% đến 437.73% đối với sản phẩm lưới thép từ Trung Quốc.

Ngày 4 tháng 11, Mỹ yêu cầu tham vấn lên Tổ chức Thương mại Thế giới thành lập Ban hội thẩm về việc xuất khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc.

Ngày 5 tháng 11, Bộ thương mại Hoa Kỳ công bố kế hoạch áp thuế 36.53% đối với sản phẩm ống dẫn dầu đối với 37 doanh nghiệp Trung Quốc và thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức 99.14% đối với sản phẩm cùng loại của một số doanh nghiệp khác. Đây là hành động thương mại nghiêm trọng nhất từ trước đến nay mà Mỹ đã thực thi đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc

Ngày 6 tháng 11, Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ thông báo quyết định sơ bộ về việc áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với sản phẩm giấy bìa được nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia cũng như một số sản phẩm hóa chất như kali, monopotassium phosphate, potassium hydrogen phosphate nhập khẩu từ Trung Quốc

Phía Trung Quốc:

Ngày 13 tháng 9, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) thông báo nước này sẽ tiến hành điều tra chống bán phá giá và đối kháng đối với một số sản phẩm xe hơi và thịt gà xuất xứ từ Mỹ theo các quy định của pháp luật Trung Quốc và Tổ chức thương mại thế giới.

Ngày 12 tháng 10, MOFCOM thông báo dự kiến sẽ áp thuế chống bán phá giá trong thời hạn 5 năm đối với sản phẩm chip polyamide-66 nhập khẩu từ Mỹ, Italia, Anh và Pháp từ ngày 13 tháng 10. Thuế suất có thể lên đến 37.5%.

Ngày 20 tháng 10, MOFCOM cho biết Trung Quốc yêu cầu cần có bảo lãnh nhập khẩu đối với các sản phẩm nylon 6, hay polycaprolactam nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Đài Loan.

Ngày 6 tháng 11, MOFCOM thông báo kế hoạch tiến hành điều tra bán phá giá và trợ cấp đối với mặt hàng ôtô và xe thể thao dung tích 2 lít trở lên nhập khẩu từ Mỹ

LAN XINZHEN

23/11/2009

Nguồn: www.bjreview.com.cn

Quảng cáo sản phẩm