Cảnh báo một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EAEU có nguy cơ bị tăng thuế nhập khẩu lên mức MFN do EAEU áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng theo FTA Việt Nam - EAEU

16/08/2018 12:00 - 959 lượt xem

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được ký kết ngày 29/5/2015, và có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.

Theo Hiệp định này, EAEU cam kết loại bỏ thuế quan đối với 9.774 dòng thuế cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam, tương đương với khoảng 90% số dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của EAEU. EAEU cũng đưa ra điều khoản áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Căn cứ Điều 2.10 của Hiệp định nói trên, một số mặt hàng dệt may, giày dép và đồ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, tuy nhiên phải chịu sự điều chỉnh của cơ chế tự vệ ngưỡng. Cụ thế, nếu khối lượng nhập khẩu các nhóm mặt hàng này từ Việt Nam trong một năm vượt một ngưỡng khối lượng nhất định quy định tại Hiệp định, EAEU có quyền điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) trong khoảng thời gian 6 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trong khoảng từ trên 100% đến 150% ngưỡng quy định) hoặc 9 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm  trên 150% ngưỡng quy định).

Để cảnh báo khả năng xuất khẩu vượt ngưỡng và có nguy cơ bị EAEU tăng thuế nhập khẩu lên mức thuế MFN, hàng tháng Cục Phòng vệ thương mại sẽ công bố số liệu xuất khẩu sang EAEU nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng theo dõi tình hình xuất khẩu các mặt hàng chịu sự điều chỉnh của cơ chế tự vệ ngưỡng và có biện pháp kiềm chế phù hợp.

Theo số liệu cập nhật đến tháng 6 năm 2018, hiện tại có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là quần áo lót và quần áo trẻ em đang bị EAEU áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng trong năm 2018. Chưa có nhóm mặt hàng nào có nguy cơ bị áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng trong năm 2019. Thông tin chi tiết tham khảo bên dưới.

Tỷ lệ xuất khẩu một số mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của cơ chế tự vệ ngưỡng từ Việt Nam sang EAEU (từ tháng 1 đến tháng 6/2018) & Cảnh báo một số mặt hàng của Việt nam xuất khẩu sang EAEU có nguy cơ bị tăng thuế nhập khẩu lên mức MFN do EAEU áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng (chi tiết trong file đính kèm dưới đây).
 
Giới thiệu về Biện pháp phòng vệ ngưỡng
trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu, cam kết mở cửa thị trường hàng hóa (thông qua loại bỏ thuế quan) của Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) dành cho Việt Nam có quy định về việc áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng (Trigger) đối với một số loại hàng hóa.

Đây là biện pháp nửa giống Hạn ngạch thuế quan (có ngưỡng giới hạn về số lượng), nửa giống Phòng vệ (có thủ tục tham vấn đánh giá về khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nơi nhập khẩu). EAEU có thể áp dụng biện pháp này theo các quy tắc sau:
  • Loại hàng hóa áp dụng: EAEU chỉ có thể áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 180 dòng thuế thuộc các nhóm Dệt may, Giày dép, và Đồ gỗ được liệt kê trong Phụ lục 2b (Phụ lục 2b – Danh mục các sản phẩm áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng trong Hiệp định).
  • Quy tắc áp dụng: Đối với mỗi loại hàng hóa thuộc Phụ lục 2b, mỗi năm sẽ áp dụng một ngưỡng xác định, nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm đó vào EAEU vượt quá ngưỡng quy định cho năm đó thì EAEU sẽ lập tức thông báo bằng văn bản cho phía Việt Nam. Ngưỡng quy định này là tổng khối lượng hàng hóa (tính theo đơn vị kilogram) được nhập khẩu vào tất cả các nước thuộc EAEU.
  • Cách thức áp dụng: Để áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, phía EAEU phải tiến hành kiểm tra thị trường, đánh giá mức độ tác động, tham vấn với Việt Nam. Nếu quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, Liên minh EAEU phải thông báo cho Việt Nam ít nhất 20 ngày kể từ ngày ra quyết định, và biện pháp phòng vệ ngưỡng sẽ chỉ có hiệu lực ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày đưa ra quyết định áp dụng.
  • Thời gian áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng: Thông thường Quyết định áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng có hiệu lực (được áp dụng) trong 6 tháng; nhưng nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng vượt quá 150% mức ngưỡng theo quy định vào ngày bắt đầu áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, thì thời gian áp dụng biện pháp này có thể được kéo dài thêm 3 tháng.
Nguồn: Tổng hợp của Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI (www.trungtamwto.vn
Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương
Tải tài liệu
Ty le xk san pham thuoc bp tu ve nguong EAEU
Quảng cáo sản phẩm