Cảnh báo về hậu quả của chủ nghĩa bảo hộ

11/05/2018 12:00 - 931 lượt xem

Hơn 1.100 nhà kinh tế vừa lên tiếng cảnh báo Tổng thống Đ.Trăm và Quốc hội Mỹ rằng, các hoạt động bảo hộ và xung đột thuế quan sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho thế giới, trái lại, còn đẩy nước Mỹ vào nguy cơ lặp lại những sai lầm trong lịch sử.

Trong bức thư tập hợp chữ ký của hơn 1.100 chuyên gia kinh tế, trong đó có 15 nhà kinh tế từng được trao Giải Nô-ben và nhiều cố vấn kinh tế cho các đời tổng thống Mỹ, Hiệp hội Những người đóng thuế quốc gia (NTU) đã đưa ra những cảnh báo đối với Nhà trắng và Quốc hội Mỹ về hậu quả của “một loạt các hoạt động bảo hộ mới”. Bức thư được NTU gửi tới Nhà trắng và Quốc hội Mỹ hôm 3-5 vừa qua, kèm trích dẫn một bức thư tương tự được các nhà kinh tế Mỹ gửi đúng ngày này năm 1930, trong đó kêu gọi chống đạo luật thuế quan chủ trương bảo hộ, còn gọi là Đạo luật Xmút - Ho-li, vốn được đưa ra nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Theo NTU, Quốc hội Mỹ đã không lưu tâm những lời khuyên của các nhà kinh tế và điều này khiến nước Mỹ phải trả giá. Thực tế, Đạo luật Xmút - Ho-li được thông qua năm 1930 từng khiến cuộc đại khủng hoảng kéo dài và trầm trọng vào thời điểm đó.

NTU cho rằng, thế giới ngày nay có rất nhiều thay đổi so với năm 1930, khi thương mại đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế và nhiều nguyên tắc thương mại không còn như xưa. Tuy nhiên, hậu quả từ những chính sách bảo hộ vẫn có thể lặp lại, như những gì đã diễn ra trong lịch sử. Các chuyên gia kinh tế hy vọng, việc trích dẫn nội dung bức thư liên quan Đạo luật Xmút - Ho-li năm 1930 góp phần nhắc nhở giới lập pháp Mỹ rằng, đôi khi các chính sách thuế với những ý định tốt lại có thể dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại, mà trong đó không có bên thắng cuộc.

Trong bức thư, NTU và các nhà kinh tế hàng đầu chỉ rõ, việc tăng thuế với mục tiêu bảo hộ sẽ là sai lầm, khiến chính người dân Mỹ chịu thiệt hại. Chủ trương áp thuế nhập khẩu và việc rút khỏi các hiệp định thương mại quốc tế quan trọng sẽ làm tổn thương nhiều hơn là đem lại lợi ích cho nước Mỹ, khi hàng hóa Mỹ phải chịu những đòn đáp trả thương mại từ các nền kinh tế khác. Mức độ bảo hộ càng cao sẽ khiến chi phí sinh hoạt tăng lên và ảnh hưởng phần lớn công dân Mỹ. Theo đó, với tư cách là người tiêu dùng, người dân Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu, như dệt may, hóa chất, sắt, thép... Còn với tư cách là nhà sản xuất, người Mỹ sẽ bị hạn chế khả năng bán sản phẩm do các rào cản từ các nhà sản xuất nước ngoài. Giám đốc về sáng kiến thương mại tự do thuộc NTU B.Rai-li khẳng định, chủ nghĩa bảo hộ là “sự tụt hậu”, trong khi hiếm có chính sách nào mà các chuyên gia kinh tế lại đạt sự đồng thuận như với thương mại tự do.

Chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ Đ.Hôn I-kin, cựu Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho rằng, việc áp dụng chính sách thuế quan cần cẩn trọng. Việc giảm bớt các rào cản thương mại giữa các quốc gia là một trong những thành tựu to lớn của hệ thống thương mại toàn cầu. Các hiệp định thương mại từng khiến các nền kinh tế trở nên giàu có hơn và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những hàng hóa mà họ không thể có được, nếu phải chịu sự khắc nghiệt của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Bức thư của NTU cũng đưa ra cảnh báo rằng, “sự thù hận” do bảo hộ thương mại sẽ không có lợi cho hòa bình thế giới.
Nguồn: Báo Nhân dân
Quảng cáo sản phẩm