Chế độ bảo hộ mậu dịch sẽ gia tăng?

12/02/2009 12:00 - 1644 lượt xem

Khi tình trạng thất nghiệp gia tăng ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và sự suy giảm thương mại diễn ra nhanh chóng và rõ nét hơn dự kiến, liệu rằng các chính phủ có thể chịu được áp lực để bảo vệ nền kinh tế và người dân của mình khỏi sự cạnh tranh từ bên ngoài? Nếu chính phủ không thể, thì chính phủ có thể làm được những gì để hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu mà không gây ra một cuộc khủng hoảng bảo hộ nào ngăn cản sự hồi phục nền kinh tế toàn cầu?

Khi hàng triệu người mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm sẽ khiến họ mất đi khả năng tự cứu lấy bản thân, lòng tự trọng và hy vọng.  Hậu quả có thể bao gồm cả sự bất ổn về xã hội và chính trị.

Tại khắp các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ và Châu Âu, các chính phủ đang nỗ lực tìm cách để giảm bớt tình trạng suy thoái kinh tế, tối thiểu hóa số người bị mất việc làm và khôi phục tăng trưởng kinh tế nhanh nhất có thể.

Vào Thứ bảy vừa qua, chính phủ Australia đã cho thấy nỗ lực của mình khi công bố kế hoạch kích thích ngành xây dựng trị giá 4 tỷ Đôla, nâng mức chi ngân sách lên gần 40 tỷ Đôla cho cuộc chiến chống lại hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhiều chính phủ khác cũng đang đưa ra các gói kích cầu và hành động khẩn cấp khác. Tuy nhiên một số trong các biện pháp này lại có tác dụng ngược lại.

Ông Terry Leahy, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Tesco của Anh, nhận định có một mối nguy hiểm do tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính, đó là các chính phủ sẽ “mất niềm tin vào sự cạnh tranh và tìm cách mở rộng những quy định mà họ phải áp dụng trong khu vực tài chính như là một cách nhanh gọn để giải quyết vấn đề.”

Để đối phó lại với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1929, Quốc hội Hoa kỲ đã tăng thuế suất lên mức cao nhất trong lịch sử của nước này. Trong vòng 1 năm, hơn 24 đối tác thương mại của Hoa Kỳ đã trả đũa bằng cách hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của Hoa Kỳ. Những biện pháp trả đũa này làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ quốc tế, và theo quan điểm của các nhà sử học thì nó góp phần làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, mà đang có xu hướng trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1929, các chính phủ cần phải lưu ý đến những bài học của những năm chiến tranh trước và phải hợp tác cùng nhau xây dựng các chính sách phục hồi. Họ có sự khởi đầu đầy hứa hẹn từ giữa tháng 11 khi các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển họp tại Washington.

Trong đó những vấn đề quan trọng nhất mà họ đã thống nhất đó là xóa bỏ bảo hộ và không để nền kinh tế quay lại tình trạng bất ổn về tài chính. Họ hứa rằng trong suốt 12 tháng tiếp theo họ sẽ không đưa ra thêm những rào cản mới nào đối với đầu tư hoặc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Họ sẽ không đưa ra thêm những hạn chế xuất khẩu mới nào cũng như không áp dụng các biện pháp khuyến khích xuất khẩu không phù hợp với những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Đến nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng nhiều quốc gia đang lờ đi những điều khoản này hoặc đang tìm cách để che giấu nó. Trong đó, điển hình là các quốc gia đã ký cam kết G-20 hoặc một cam kết gần như vậy mà sau đó được nhất trí bởi các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Chấu Á- Thái Bình Dương .

Một cuộc chiến công khai về thuế quan có lẽ sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Nhưng nếu đánh giá từ số lượng gia tăng các đơn kiện thì có lẽ sự bảo hộ đang gia tăng một cách rõ ràng.

Những biểu hiện của nó bao gồm sự gia tăng mức thuế được lựa chọn, sự giảm giá tiền tệ để làm cho giá các mặt hàng xuất khẩu rẻ hơn và giá các mặt hàng nhập khẩu đắt hơn, sự trợ cấp xuất khẩu cho nhiều loại mặt hàng, điều khoản “mua hoặc thuê ở địa phương”, và các biện pháp chống bán phá giá mà có thể giúp cho các nhà sản xuất ở một quốc gia nào đó chống lại các đối tác thương mại bị buộc tội là bán hàng hóa với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất.  

Tuần trước, Malaysia cấm việc thuê các công nhân từ nước ngoài ở các nhà máy, cửa hàng bách hóa và các nhà hàng để bảo vệ các công dân của họ tránh khỏi sự thất nghiệp. Chính phủ này cũng yêu cầu các công ty sa thải những nhân viên là người nước ngoài nếu các công ty này buộc phải cắt giảm nhân viên. Hơn 3 triệu công nhân nước ngoài hợp pháp và bất hợp pháp, trong đó chủ yếu là có xuất xứ từ Indonesia và Philippines sẽ bị buộc thôi việc.

Trong khi đó, Indonesia bác bỏ ý kiến cho rằng họ áp dụng các rào cản thương mại phi thuế quan bằng cách hạn chế chỉ cho phép nhập khẩu những mặt hàng trọng yếu tại 5 cảng từ tháng 12. Họ cũng bác bỏ ý kiến mà các quốc gia khác đưa ra là những quy định về dán nhãn gần đây là nhằm mục đích hạn chế nhập khẩu lương thực. Các quan chức thuộc đại sứ quán Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu băn khoăn liệu rằng những động thái này có phù hợp với tư cách thành viên WTO của Indonesia hay không.

Điều đáng ngại hơn, với quy mô và tính nhạy cảm trong thương mại song phương Trung Quốc – Hoa Kỳ, đó là thứ năm vừa qua, Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ do Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, ông Tim Geithner, đã buộc tội Trung Quốc “thao túng” đồng Nhân dân tệ vì những lợi ích thương mại của họ, mặc dù trên thực tế tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng Đôla đã tăng khoảng 20 % tính từ năm 2005 đến nay. Gần đây các nhà phân tích ở Châu Á đã dự báo rằng các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trong khu vực này đang khuyến khích giảm giá tiền tệ để đẩy mạnh việc xuất khẩu.

Chính quyền tổng thống Obama vừa công bố chính sách thương mại của mình, tuy nhiên có vẻ như chính sách này có cách tiếp cận ít tự do hơn so với chính sách của chính quyền tổng thống Bush trong suốt 8 năm trước. Thương mại công bằng, chứ không phải thương mại tự do, sẽ trở thành tiêu chí của thị trường lớn nhất thế giới này.

Các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội và những đồng minh của họ trong các hiệp hội và các ngành công nghiệp thép, dệt may và xe cộ đang thúc giục để đưa điều khoản “Mua hàng Hoa Kỳ ” vào trong chương trình kích cầu khổng lồ của Hoa Kỳ. Điều khoản này sẽ hạn chế ngân sách chi cho các công ty ở Hoa Kỳ. Các quan chức của Châu Âu thì đang sẵn sàng để phản đối.

Trong vài năm qua, 4 nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã tham gia vào các tranh chấp về chống bán phá giá và các vụ kiện như vậy dường như tăng lên gấp bội khi khủng hoảng kinh tế càng trở nên trầm trọng hơn. Theo điều tra mới nhất của WTO, 16 quốc gia đã tiến hành 85 vụ kiện chống bán phá giá chỉ trong nửa đầu năm vừa rồi, so với 61 vụ điều tra cùng kỳ năm 2007. Trong đó gần một nửa đơn kiện là chống lại Trung Quốc.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã phản công lại bằng cách đệ đơn kiện lên WTO về biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với mặt hàng ống thép, lốp xe và bao tải dệt của Trung Quốc. Đây là vụ kiện đầu tiên Trung Quốc đưa lên Ban hội thẩm của WTO từ khi quốc gia này gia nhập WTO vào năm 2001.

Tuy nhiên, cần phải chú ý là đối với hầu hết các tranh chấp liên quan đến thương mại này thì dù có vẻ gay gắt nhưng vẫn phụ thuộc vào: hoặc là đàm phán giữa các chính phủ, hoặc là cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Đó là một dấu hiệu tốt về các căng thẳng thương mại có thể tiếp tục được kiểm soát và giữ ở mức độ có thể chấp nhận được.

Tuần trước, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Surin Pitsuwan, đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á mở cửa thị trường của mình, và cho biết rằng hội nhập kinh tế khu vực là phương thuốc tốt nhất cho cuộc khủng hoảng lần này.

Vào ngày thứ bảy, các Bộ trưởng Bộ thương mại từ khoảng 20 quốc gia sẽ gặp nhau bên lề diễn đàn Davos hàng năm để một lần nữa thử tìm ra cơ sở cho việc tiếp tục vòng đàm phán quốc tế Doha về tự do hóa thương mại. Các nhà lãnh đạo của G-20 cũng sẽ gặp lại nhau ở Luân Đôn vào tháng 4 tới để rà soát lại tiến triển trong việc phục hồi tăng trưởng toàn cầu và việc thực hiện cải cách tài chính.

Sẽ là khó khăn để giảm bớt bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên các chính phủ biết rằng nếu họ thất bại thì chế độ bảo hộ mậu dịch sẽ hủy hoại sự hợp tác trong các lĩnh vực then chốt khác và tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng.

MICHAEL RICHARDSON
Tác giả bài viết này là một nhà nghiên cứu lão thành tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore.

Nguồn : www.canberratimes.com.au

 

Quảng cáo sản phẩm