Chính sách đường mía tại các nước khu vực Đông Nam Á

27/02/2019 12:00 - 839 Views

Mía đường từ lâu đã được xem là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển giữa các nước về lĩnh vực này chưa có sự đồng đều bởi chính sách quản lý, vận hành khác nhau tại mỗi lãnh thổ.

Định hình bằng chính sách

Nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhiều quốc gia, ngành mía đường vẫn đang được chính phủ các nước quan tâm. Không chỉ là cung cấp đường cho tiêu dùng và sản xuất, ngành mía đường còn mang lại nguồn thu nhập cho nhiều nông dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế địa phương. Đối với một số quốc gia, đường còn là sản phẩm xuất khẩu quan trọng, mang về nguồn thu ngoại tệ lớn. Thông qua chính sách khuyến khích, định hướng hoạt động, chính phủ các nước đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngành mía đường có những lợi thế cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.

Tùy thuộc vào điều kiện đặc thù mỗi lãnh thổ, các chính sách và định hướng có thể bao gồm việc hỗ trợ vốn cho nông dân, cố định giá thu mua mía, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận, hạn ngạch và mức thuế nhập khẩu đường… Những quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ chuỗi sản xuất, góp phần định hình nên ngành mía đường các quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều nước, trong đó có nước ta gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn sắp tới khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực đối với lĩnh vực mía đường. Do đó, để có được đánh giá chính xác về tình hình phát triển ngành mía đường Việt Nam cũng như định hướng tháo gỡ khó khăn thì cần phải có một cái nhìn thấu đáo về chính sách phát triển ngành tại mỗi quốc gia.  

Tại Thái Lan

Mặc dù là quốc gia được Tổ chức Đường thế giới (ISO) phân loại trung bình theo năng suất nông nghiệp và năng suất công nghiệp, nhưng Thái Lan vẫn là quốc gia xuất khẩu đường đứng thứ 2 trên thế giới. Kết quả này đến từ việc Chính phủ luôn khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa gạo sang trồng mía bằng cách chấm dứt chương trình trợ cấp gạo và duy trì giá mía tăng. Thêm vào đó là chính sách đường bảo hộ cao với sự can thiệp đáng kể trong hầu hết các hoạt động của ngành đường.

Chính phủ Thái Lan còn quy định cả giá bán đường và giá mua mía. Giá tối thiểu được ấn định hàng năm cho việc bán trong nước của đường hạn ngạch A. Điều này dựa trên doanh thu trung bình được dự báo từ doanh thu hạn ngạch A và doanh thu xuất khẩu theo hạn ngạch B. Nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trồng mía. Trong trường hợp giá thấp hơn dự đoán, người trồng mía không phải trả lại thâm hụt, nhưng các nhà máy được bù đắp bởi Quỹ Mía đường do nhà nước điều hành.

Chính phủ nước này cũng khuyến khích các nhà máy đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, cho phép mở rộng thêm nhà máy mới, phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng năng suất và công suất nhà máy, cho nông dân vay với lãi suất thấp để đầu tư máy móc, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức canh tác cho nông dân trồng mía, nghiên cứu các loại giống mía thích ứng với thổ nhưỡng và thời tiết.

Mới đây, Thái Lan cũng đã bãi bỏ việc thu 5 Baht từ mức giá nhà máy đóng góp vào Quỹ Mía đường quốc gia. Ngoài ra, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận 70 - 30 giữa nông dân và người sản xuất vẫn được duy trì. Văn phòng mía đường cũng thông qua ngân sách hỗ trợ nông dân lên đến 50 Baht/tấn, tối đa 5.000 Baht/người. Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích sử dụng đường trong kế hoạch kinh tế sinh học, cụ thể phân bổ 500.000 tấn đường để sản xuất xăng ethanol thay thế cho nguyên liệu sắn.

Về chính sách đối ngoại, Thái Lan không cấp phép nhập khẩu thường niên, theo đó đơn vị doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu đường vào Thái Lan thì phải trực tiếp đi xin giấy phép, song thực tế việc này hiếm khi xảy ra. Với những động thái này, Chính phủ Thái Lan muốn mở rộng ngành công nghiệp đường nội địa hơn nữa.  

Tại Philippines

Chính phủ Philippines khuyến khích phát triển cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ 44 triệu USD mỗi năm; cam kết thực hiện các chính sách bảo hiểm; hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ thuật cho nông dân trồng mía; tổ chức các hội nghị ngành mía đường trong nước và quốc tế; cung cấp máy móc, thiết bị… Đồng thời cũng đẩy mạnh công tác đầu tư nghiên cứu giống mía mới có sức chịu hạn cao, áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc thu hoạch đường và sản phẩm cạnh đường.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng thành lập các công ty hỗ trợ nhà máy, các khu kinh tế đặc biệt. Về thương mại, áp dụng thuế suất 5% đối với thị trường nội địa và với các nước gia nhập WTO thì áp dụng thuế suất 50% trong hạn ngạch và 65% ngoài hạn ngạch.

Về chính sách đối ngoại, Philippines ban hành quy định cả đường thô và đường trắng đều phải có giấy phép nhập khẩu. Giấy phép chỉ được cấp trong trường hợp sản xuất nội địa không đủ cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước. Đồng thời, xuất khẩu qua Mỹ dưới hạn ngạch đặc biệt Mỹ dành cho Philippines.  

Tại Malaysia

Đất nước này hiện nay có ngành mía đường nội địa, tuy nhiên Malaysia không trồng mía và không có nhà máy luyện từ mía, 100% được luyện từ đường thô. Tất cả lượng đường tiêu thụ đều được nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan và Brazil. Năm 2018, Malaysia có nhập thêm đường từ Ấn Độ. Gần đây nhất, Malaysia đã đồng ý nhập khẩu 44.000 tấn đường từ Ấn Độ trong vòng vài tuần kể từ khi New Delhi cắt giảm thuế nhập khẩu đối với dầu cọ thô và tinh chế từ quốc gia Đông Nam Á này.

Theo MSM Malaysia, nhà sản xuất đường tinh luyện lớn nhất ở châu Á đồng thời cũng là doanh nghiệp nhập khẩu đường thô lớn nhất Malaysia cho biết, dự kiến sẽ nhập khẩu hơn 1 triệu tấn đường thô vào năm 2019 thông qua các nhà thương mại quốc tế.

Với việc nhập khẩu đường thô, Chính phủ Malaysia cho phép nhập khẩu tự do mà không cần giấy phép và được áp dụng cho các nhà máy đường luyện. Đối với nhập khẩu đường trắng thì cần giấy phép và được áp dụng cho các đơn vị công nghiệp. Lượng cấp giấy phép mỗi năm hoàn toàn do Chính phủ quyết định vì thị trường đường thô đã mở nên Malaysia không phải cam kết định mức với WTO như Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây thì việc cấp phép này diễn ra khá đều đặn, tương đương đạt mức khoảng 70 - 100 ngàn tấn/năm.  

Tại Indonesia

Ngành mía đường nội địa của Indonesia cung cấp khoảng 2 triệu tấn/năm, tương đương 33% tổng nhu cầu 6 triệu tấn của thị trường, vì vậy Chính phủ nước này cho phép nhập khẩu đường thô nhưng cần có giấy phép và được áp dụng cho các nhà máy đường luyện. Mỗi năm, Indonesia cấp phép cho khoảng 4 triệu tấn đường. Tại đây, việc nhập khẩu đường trắng cũng cần có giấy phép và được chia thành 2 loại: Loại 1 là nhập Re-export trong thành phẩm như cà phê, bánh kẹo, áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm để tái xuất, trung bình 100 ngàn tấn/năm. Loại 2 là giấy phép đặc biệt, chỉ cấp trong trường hợp có sự thiếu hụt đường nghiêm trọng. Thời gian gần đây, giấy phép này xuất hiện khoảng 3 - 4 năm một lần, mỗi lần khoảng 100 - 200 ngàn tấn, cấp vào giai đoạn lễ Ramadan và chỉ có hiệu lực trong 1 - 2 tháng. Giấy phép đặc biệt được áp dụng cho các đơn vị kinh doanh, tuy nhiên, trên thực tế rất khó để có giấy phép này.  

Tại Myanmar

Chính phủ nước này quy định cả đường thô và đường trắng đều cần có giấy phép. Gần như 100% lượng giấy phép được cấp là để nhập đường trắng. Tuy nhiên, đối với thị trường này thì phần lớn đường trắng nhập vào lại được tái xuất lậu qua Trung Quốc.  

Tại Việt Nam

Theo Quyết định số 68 của Thủ Tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Mức vay tối đa lên đến 100% giá trị thiết bị, trong đó nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu và 50% trong năm thứ ba. Ngoài ra, cũng theo Quyết định số 68, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng), các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Trên lý thuyết, bằng những chính sách trên, nông dân trồng mía có thể đầu tư mua mới thiết bị cơ giới phục vụ việc làm đất, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch hoàn toàn chỉ bằng nguồn vốn vay, được miễn lãi suất trong hai năm đầu và chỉ phải trả một nửa lãi suất trong năm thứ ba. Tuy nhiên, thực tế thì việc tiếp cận nguồn vốn thông qua chính sách này rất khó khăn do vướng nhiều thủ tục, quy định về danh mục chủng loại máy, cách xác định đối tượng vay. Để nông dân có vốn đầu tư, một số doanh nghiệp lớn đã đứng ra cho vay bằng nguồn vốn của mình hoặc liên kết với các ngân hàng thương mại, cung cấp các gói tín dụng nông nghiệp với lãi suất ưu đãi.

Đối với công tác khuyến khích sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, cải tạo và nghiên cứu các giống mía mới thì chính sách hỗ trợ chủ yếu phụ thuộc vào địa phương. Việc lai tạo, trồng khảo nghiệm giống mía cũng như nghiên cứu các kỹ thuật canh tác mới được một số doanh nghiệp tự thực hiện nhằm giúp tăng năng suất mía cho nông dân, giảm chi phí đầu vào.

Về chính sách đối ngoại, từ năm 2015 đến nay, hằng năm Bộ Công thương đều tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu đường. Theo đó, các thương nhân trúng đấu giá có quyền nhập khẩu đường thô và đường trắng nằm trong hạn ngạch với thuế suất 0%. Ngoài hạn ngạch trên, mức thuế nhập khẩu đường thô là 80%, đường trắng là 85%. Tuy nhiên, sắp tới đây, khi Hiệp định ATIGA chính thức được áp dụng thì tất cả các hạn ngạch và thuế suất này dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn. Điều này sẽ khiến ngành mía đường Việt Nam phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường các nước khác, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ đầy đủ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp lẫn người nông dân.
Nguồn: Báo Nông nghiệp
Quảng cáo sản phẩm