Chống gian lận xuất xứ: sẽ đóng bớt cửa với đầu tư nước ngoài?

10/07/2019 12:00 - 381 lượt xem

Chính phủ gấp rút ban hành đề án, đề xuất một số biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ sau sự việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống lẩn tránh thuế mức hơn 400% đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn có nguồn nguyên liệu sử dụng từ Hàn Quốc và Đài Loan được xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Việc đăng ký đầu tư nước ngoài được đưa vào “tầm ngắm” siết chặt hơn.

 Giám sát chặt đầu tư FDI nhằm lẩn tránh nguồn gốc, xuất xứ

Cuối tuần trước, Quyết định 824/QĐ-TTg “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Chính phủ ban hành. Với mục tiêu là bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế, thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài (kể cả mua bán, sát nhập doanh nghiệp).

Nói khác đi, sau hơn 80 vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, chống bán phá giá của nhiều quốc gia trên thế giới nhắm vào hàng hóa có nguồn gốc xuất đi từ Việt Nam trong những năm gần đây, việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng hóa Việt đã được Chính phủ đặt ra bằng cách tăng cường quản lý nhà nước ở cấp độ cao hơn.

Bởi lẽ, các biện pháp chống gian lận thương mại, chống gian lận xuất xứ đến thời điểm này không đơn thuần là khởi xướng điều tra, tăng mức thuế. Các biện pháp chống gian lận thương mại của Mỹ hay nhiều quốc gia Châu Âu, Đông Nam Á đã tiến xa hơn, ở mức độ “quét” sâu rộng hơn. Như việc áp thuế chống lẩn tránh nguồn gốc đối với thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam trước đây chỉ áp dụng với các loại thép có nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Nay đã mở rộng ra các sản phẩm thép cán nguội có xuất xứ từ lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc. Các biện pháp đánh thuế ở mức cao, áp dụng bằng biện pháp yêu cầu nộp tiền đặt cọc là tiền mặt tính theo mức thuế mới hơn 400% đối với các đơn hàng đã ký trước đó cả năm nhưng chưa giao hàng nhằm mục đích “triệt” đường xuất khẩu của các đơn hàng thép cán nguội xuất có nguồn gốc nguyên liệu chủ yếu từ Hàn Quốc, Đài Loan, “tráng” qua một vài công đoạn ở Việt Nam.

Nhiều quốc gia đã siết chặt chống gian lận thông qua áp chặt các biện pháp về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Vậy ngay tại sân nhà, các cơ quan quản lý Việt Nam có nhận ra điều này không?

Trong đề án hôm 4-7 của Chính phủ (có hiệu lực ngay), ngoài những yêu cầu thông thường như siết chặt cấp C/O... Bộ Công Thương từ nay sẽ thường xuyên phải theo dõi biến động đầu tư nước ngoài bằng cách thông báo danh sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lưu ý khi xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư FDI, kể cả việc sát nhập, mua lại.

Danh sách các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ bị lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ mà doanh nghiệp FDI đầu tư trong 5 năm trở lại đây phải được Bộ Công Thương lập ra và gửi cho các bộ có liên quan.

Đến năm 2020, Bộ KH-ĐT phải nghiên cứu, hoàn thiện quy định về xem xét, giải quyết việc đăng ký của nhà đầu tư FDI vào các lĩnh vực có nguy cơ bị lẩn tránh gian lận xuất xứ... Chính phủ cũng đồng thời yêu cầu Bộ KH-ĐT thường xuyên phối hợp với các bộ và địa phương theo dõi sự thay đổi về sở hữu tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Các địa phương cũng sẽ bị quy trách nhiệm trong việc thẩm định và quản lý các dự án FDI nếu có dấu hiệu, nguy cơ gian lận xuất xứ.

Vẫn là “đi sau một bước”

Trong cơn say thu hút đầu tư FDI nhiều năm về trước, nhất là các dự án đầu tư có vốn đăng ký nhiều triệu đô la đến hàng tỉ đô la Mỹ, các bộ ngành và chính quyền địa phương không lường đến những việc này, dù được cảnh báo từ rất sớm. Ví dụ như cách đây hơn 10 năm, nếu cảnh báo các cơ quan quản lý về việc nhiều doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam là địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, ngoài lợi thế nhân công rẻ, giá điện được bao cấp cho sản xuất, nhiều ưu đãi đầu tư... sẽ không được chính quyền lắng nghe.

Sau đó, xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và nhiều quốc gia phát triển để tận dụng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) được ký ngày càng nhiều.

Việc tăng ưu đãi nguồn gốc xuất xứ cho các nước tham gia hiệp định và siết chặt nhập khẩu, đánh thuế cao với các sản phẩm của các nước ngoài các FTA khiến các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn phải toan tính những bước đi mới đến các nước được hưởng ưu đãi nguồn gốc xuất xứ, ví dụ như Việt Nam. Song các cảnh báo về việc dịch chuyển này vẫn không được lắng nghe.

Các dự án đầu tư vào sản xuất điện tử, may mặc, giày dép, thép... vẫn được tiếp nhận đầu tư rầm rộ, cho dù là những lĩnh vực rất nhạy cảm với các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ hay Châu Âu.

Thực tế thì việc dịch chuyển đầu tư để tận dụng nguồn gốc xuất xứ của các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan đều đã đi trước suy nghĩ của các cơ quan quản lý cả chục năm. Ví dụ như năm 2009, Tập đoàn Posco VST  hay SeAH, Nextec Co (Hàn Quốc) và một số doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án sản xuất thép cán nguội, thép ống phục vụ các dự án dẫn dầu khí, đặt tại Vũng Tàu.

Ba năm sau, do sản lượng và giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến nên Hiệp hội các nhà sản xuất ống thép đã kiện các doanh nghiệp này ra DOC. Kết quả theo đuổi vụ kiện gần một năm, tốn rất nhiều chi phí luật sư, các doanh nghiệp lớn như POSCO vẫn được xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế hợp lý.

Song các vụ kiện khác liên quan đến thép cán nguội, liên quan đến việc xuất khẩu của POSCO VST vẫn liên tục xảy ra trong các năm gần đây vì Mỹ đã đánh thuế rất mạnh vào các sản phẩm thép xuất đi từ Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác, không có lý gì mà quên đi các doanh nghiệp thép Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đang xuất khẩu rất mạnh vào thị trường này.

Các quốc gia lớn nay đang chú ý rất cao vào việc lẩn tránh xuất xứ đầu ra của sản phẩm xuất khẩu. Và hiện tại, các sản phẩm như thép cán nguội nếu có đầu vào từ nguồn nguyên liệu trong nước mà không phải nhập khẩu từ nước thứ ba sẽ được miễn áp thuế lẩn tránh xuất xứ ở mức cao.

Song phải thẳng thắn nhìn nhận, nguồn nguyên liệu trong nước, vẫn lấy ví dụ từ ngành thép cán nguội là do một doanh nghiệp FDI khác: Formosa Hà Tĩnh cung cấp. Theo đăng ký đầu tư ban đầu, sản phẩm cuộn cán nóng của Formosa chủ yếu để xuất khẩu. Nay lại trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thép Hàn Quốc xuất khẩu đi từ Việt Nam. Trong trường hợp các nước như Mỹ hay EU sau này lại xem xét nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam, do người Việt Nam lập ra mới không bị đánh thuế cao thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Lo chuyện đó không phải để cho vui. Nỗi e ngại lớn nhất, như trong ngành thép nguội là các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra tại Việt Nam đều là các doanh nghiệp FDI. Họ cũng đã đầu tư lớn vào Việt Nam cả chục năm nay để tận dụng tối đa ưu đãi đầu tư và các FTA. Theo dõi biến động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn gian lận nguồn gốc xuất xứ, nếu chỉ theo cách đối phó thì chỉ là việc nhà quản lý bị động chạy sau những tính toán chiến lược đường dài của doanh nghiệp, chứ không giải quyết được việc gì.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn 
Quảng cáo sản phẩm