Chủ động chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Minh bạch để tránh bị điều tra

06/11/2019 12:00 - 1225 lượt xem

Chống gian lận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đến thị trường Mỹ, đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện.

Cảnh báo nóng

Mới đây, 1,8 triệu tấn nhôm thuộc sở hữu của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị Hải quan tỉnh Vũng Tàu chặn lại trước khi định xuất sang Mỹ. Được biết, đây là số lượng nhôm có xuất xứ Trung Quốc, đã mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan.

Vụ việc này đã gióng lên hồi chuông về nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng trở thành điểm trung chuyển hàng lẩn tránh, trốn thuế của Trung Quốc và một số nước khác. Do chênh lệch thuế suất giữa nhôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với nhôm của Trung Quốc là rất lớn (nhôm Việt Nam chỉ chịu thuế 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc vào Mỹ thuế suất lên đến 374%).

Không chỉ với mặt hàng nhôm, gần đây, Bộ Công Thương liên tục phát đi các thông báo về việc hàng loạt các mặt hàng của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá do lượng xuất khẩu tăng đột biến như đá nhân tạo, gỗ, sắt, thép... Trong đó, không loại trừ khả năng xuất khẩu tăng cao do gian lận xuất xứ.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho hay, thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) liên tục gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), làm C/O giả. Bên cạnh đó, rất nhiều các đối tác có FTA với Việt Nam đã phản ánh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa. Thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ cũng phản ánh có tình trạng này.

Chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

Nhằm hạn chế tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ đã và đang được triển khai tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại và các biện pháp kiểm soát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp, cụ thể là chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Dự án đang hợp tác với Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bên liên quan nhằm triển khai các hoạt động để xác định, điều tra việc chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với dự án này, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, đặt biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa. Cục Xuất nhập khẩu thời gian qua đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ; tập huấn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp và khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đặc biệt lưu tâm trong công tác chống gian lận xuất xứ hàng khi cấp C/O cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với chức năng nhiệm vụ của mình, Tổng cục Hải quan đã chủ động đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với Hải quan Mỹ trong trao đổi thông tin, ngăn chặn gian lận xuất xứ các sản phẩm như nhôm, máy lọc nước, quần áo… Từ đó, phát hiện kịp thời và giảm nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.

Nguồn: báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm