Chủ động trên “sân chơi” toàn cầu

02/01/2019 12:00 - 3179 lượt xem

Với sự tham gia sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, cùng những diễn biến phức tạp trong quan hệ kinh tế thương mại giữa các quốc gia lớn, những năm gần đây, số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) có liên quan đến Việt Nam gia tăng đột biến, đặc biệt trong năm 2018. Cục PVTM (Bộ Công Thương) dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ hơn với nhiều diễn biến phức tạp khó lường.

Bùng nổ PVTM

Theo thống kê của Cục PVTM, tính đến tháng 11/2018, đã có hơn 141 vụ việc khởi xướng điều tra PVTM có liên quan tới hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam, gồm 81 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 14 vụ việc chống trợ cấp, 27 vụ việc tự vệ và 19 vụ việc lẩn tránh thuế CBPG và chống trợ cấp.

Riêng 10 tháng năm 2018, số vụ việc mới được khởi xướng là 16 vụ, tăng 23% so với cả năm 2017. Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại (thép, nhôm), nông, thủy sản (tôm, cá tra) và sợi.

Về thị trường khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu là Hoa Kỳ với 27 vụ việc, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ 20 vụ việc, Ấn Độ 17 vụ việc, EU 14 vụ việc, Canada 11 vụ việc, Úc 9 vụ việc; đặc biệt các nước thành viên ASEAN đã điều tra chúng ta 24 vụ việc, còn lại là một số thị trường khác.

Chính từ thực tế buộc phải liên tục đối mặt với các vụ kiện PVTM, các doanh nghiệp (DN) XK của Việt Nam phần nào đã nhận thức được tầm quan trọng và tác động của các vụ kiện PVTM tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, XK.

Theo đánh giá của ông Lê Triệu Dũng - Phó cục trưởng phụ trách Cục PVTM - các DN đã ngày càng chủ động hơn trong việc tìm hiểu những kiến thức và chủ động tham gia xử lý vụ việc, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm xử lý cần thiết khi vụ việc xảy ra.

Tại một số DN, đã thành lập các phòng, đơn vị chuyên môn để giải quyết vấn đề PVTM. Các DN cũng đã đoàn kết để cùng ứng phó với vụ việc.

Diễn biến phức tạp

Trong những cuộc họp, hội thảo về PVTM trong và ngoài nước được tổ chức gần đây, các chuyên gia đều có chung nhận định, với bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu thế gia tăng cũng như căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, dự kiến tình hình điều tra các vụ việc PVTM trong năm 2019 sẽ diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng. Cụ thể, phạm vi sản phẩm có thể không bị giới hạn mà mở rộng ra nhiều sản phẩm cùng 1 vụ việc; phạm vi các nước, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng có thể bị mở rộng trong cùng 1 vụ việc; tăng cường sử dụng các biện pháp phi truyền thống, biện pháp mang tính bảo hộ khác ngoài PVTM; hoặc thay đổi trong cách thức, phương pháp điều tra vụ việc PVTM theo hướng khó khăn, phức tạp hơn.

Trong khi đó, sản phẩm bị kiện PVTM rất đa dạng nên đôi khi các ngành hàng mới bị kiện chưa chuẩn bị công tác xử lý thực sự hiệu quả. Tại Việt Nam, mức độ hiểu biết của một số DN XK về PVTM còn hạn chế, năng lực tài chính còn yếu, trong khi chi phí để kháng kiện rất cao. Để thành công có thể cần phải thuê luật sư tư vấn dày dạn kinh nghiệm từ chính nước khởi xướng điều tra. Bên cạnh đó, nhiều DN còn chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra trong việc cung cấp tài liệu, số liệu, hệ thống lưu giữ tài liệu, hợp đồng, dữ liệu, hóa đơn chưa đầy đủ, khoa học và hệ thống…

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cùng các hiệp hội, ngành hàng luôn khuyến nghị, các DN nên tự bảo vệ bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM; thường xuyên cập nhật những thay đổi của pháp luật, thông lệ điều tra; trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường XK, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

Các DN cũng cần củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác nước ngoài vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra PVTM. Tiếng nói phản đối việc điều tra của họ sẽ tạo ảnh hưởng tới việc ra quyết định của cơ quan điều tra nước ngoài.

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị khởi kiện điều tra PVTM, DN cũng cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường XK mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng XK quá nóng vào một thị trường, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.
Nguồn: Báo Công Thương
Quảng cáo sản phẩm