Chủ động trước các biện pháp phòng vệ thương mại

19/08/2019 12:00 - 309 lượt xem

Thời gian gần đây, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, khiếu nại từ các thị trường nhập khẩu đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam liên tục gia tăng. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Lương Kim Thành - Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) về các giải pháp chủ động của nước ta trước vấn đề này.

- Thời gian qua, nhiều quốc gia đã tăng cường theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nhằm phát hiện hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ để hưởng thuế ưu đãi. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều nước đã tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp để bảo vệ thị trường và các ngành sản xuất của mình. Khi bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng đã khắc phục bằng việc chuyển sản xuất ra khỏi nước/nền kinh tế áp dụng biện pháp phòng vệ. Do có chính sách thuận lợi về đầu tư nước ngoài, nên Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó khi quyết định dịch chuyển sản xuất.

Sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng bị theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung của nước nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2000-2016, có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm. Tuy nhiên, trong mỗi năm 2017 và 2018, đã có 2 vụ việc được điều tra và 1 vụ việc đang trong giai đoạn thụ lý đơn kiện. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng trong các gói biện pháp tương đối rộng.

Thời gian qua, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như xe đạp điện, sắt thép, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép,… có kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến từ 20% đến 50%, khiến nhiều mặt hàng của Việt Nam bị các đối tác nhập khẩu điều tra chống lẩn tránh thuế.

- Để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã triển khai giải pháp gì để bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung trong thương mại quốc tế?

- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Cụ thể, từ năm 2017, Bộ đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; phối hợp, gửi thông tin tới các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm tra, theo dõi.

Ngay sau khi Hoa Kỳ tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị tăng cường kiểm tra hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ với các nhóm sản phẩm như: Gỗ, dệt may, da giày và túi xách, hàng điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, sắt thép, xe đạp...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU... Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra những trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã có kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ, EU trong các vụ việc điều tra.

Tuy nhiên, dù các bộ, ngành đã nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát, nhưng nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng.

- Việc chưa thể bảo vệ tối đa lợi ích các ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu, cùng với việc hàng hóa xuất khẩu liên tục bị kiện đều có thể dẫn tới một số ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng, thậm chí mất thị trường. Bộ Công Thương đã thực hiện giải pháp gì để xử lý vấn đề  này, thưa ông?

- Với quan hệ thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, xu thế bảo hộ gia tăng, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 824/QĐ-TTg (ngày 4-7-2019) ban hành Đề án nêu trên, Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành kế hoạch hành động; thành lập tổ công tác liên ngành về phòng, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương và gian lận xuất xứ hàng hóa… Đồng thời, yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại sẽ triển khai chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025.

Cụ thể, hằng tháng, hoàn thiện và cập nhật danh mục nhóm mặt hàng xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; triển khai hoạt động hợp tác với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Hà Nội Mới
Quảng cáo sản phẩm