Chủ động ứng phó phòng vệ thương mại

26/10/2020 12:00 - 223 lượt xem

Quá trình hội nhập và mở cửa thị trường đặt các ngành sản xuất trước xu thế gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với cơ quan điều tra nước ngoài để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.

- Thời gian qua ghi nhận số vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu gia tăng. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này? 

- Tính đến hết tháng 9-2020, đã có gần 200 vụ điều tra phòng vệ thương mại liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch lên đến 12 tỷ USD. Nếu như cả năm 2019 ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì 9 tháng năm 2020 số vụ việc tăng gấp đôi. Hàng hóa bị điều tra gồm cả những mặt hàng lợi thế của Việt Nam như: Sắt thép, sợi, thủy sản, gỗ dán… Có 62% số vụ việc xuất phát từ các nước: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia và Liên minh châu Âu. Các nước ASEAN gần đây cũng tăng cường điều tra phòng vệ thương mại với tổng số 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%)... Đến nay, Việt Nam đã kháng kiện thành công 65 vụ việc, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Với hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam đã điều tra phòng vệ thương mại 19 vụ việc và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm Việt Nam điều tra tương đối đa dạng, như: Sắt thép, hóa chất, nhựa, phân bón, bột ngọt, đường… 

- Theo ông, nguyên nhân nào khiến số vụ điều tra phòng vệ thương mại gia tăng thời gian qua?

- Trước hết, các biện pháp phòng vệ thương mại (như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng, ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Hiện, công cụ này được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn. 

Nguyên nhân khác là bởi quy mô xuất khẩu, nhập khẩu của chúng ta gia tăng nhanh chóng, hàng hóa Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn, dẫn tới nguy cơ bị kiện, điều tra phòng vệ thương mại nhiều hơn. Cùng với đó, thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước gắn với gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, có hiện tượng hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, khiến nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị kiện nhiều hơn… 

- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai những giải pháp gì để chủ động phòng vệ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

- Phòng vệ thương mại là lĩnh vực phức tạp nhất trong thương mại quốc tế. Vì vậy, Bộ Công Thương đã sớm ban hành đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bộ đã nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm, nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; thông qua các hiệp hội gửi thông tin hằng tuần về các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, Bộ đã chủ động làm việc, phối hợp, thậm chí đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn đầu để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục củng cố cơ chế phối hợp thống nhất xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các bộ, ngành và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. 

- Doanh nghiệp cần làm gì trước nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, thưa ông?

- Doanh nghiệp xuất khẩu phải coi các biện pháp phòng vệ thương mại là một phần của môi trường kinh doanh và sẵn sàng chủ động đối mặt. Bên cạnh việc hiểu rõ quyền và nghĩa vụ trong các vụ việc phòng vệ thương mại để chủ động tự bảo vệ, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là những nơi đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng chuỗi giá trị, tập trung vào cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu. Mặt khác, doanh nghiệp cần rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng để cập nhật thông tin. Khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa liên quan, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, hiệp hội, các doanh nghiệp cùng ngành hàng trong quá trình ứng phó vụ việc.

- Trân trọng cảm ơn ông!
 
Quảng cáo sản phẩm