Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên (MPIA) chính thức có hiệu lực. Trung Quốc và EU tham gia thỏa thuận nhưng Hoa Kỳ, Anh, Nhật và Ấn Độ không tham gia

08/05/2020 12:00 - 324 lượt xem

Ngày 30 tháng 4 năm 2020, EU chính thức gửi thông báo chính thức tới WTO (tài liJOB/DSB/1/Add.12) liên quan đến “Thỏa thuận về cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên” (Multi Party Interim Appeal Arbitration Arrangement - MPIA), đánh dấu việc cơ chế này chính thức được áp dụng tại WTO để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên tham gia tại WTO. Trước tình hình Cơ quan phúc thẩm của WTO không thể hoạt động vào tháng 12 năm 2019 do thiếu thành viên, MPIA sẽ là phương án đảm bảo cho các thành viên tiếp tục sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp 2 cấp (giai đoạn Ban Hội thẩm và Phúc thẩm).


Tính đến thời điểm hiện tại, 19 thành viên WTO đã tham gia thỏa thuận này, gồm có: EU, Trung Quốc, Canada, Úc, Singapore, Hong Kong, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Iceland, Mexico, New Zealand, Na uy, Pakistan, Thụy Sỹ, Ukraine và Uruguay.


Trong khi đó, một số nước có vai trò thương mại quan trọng khác như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Anh, Nhật, Hàn Quốc chưa có động thái tham gia.


Thông báo chung của nhóm thành viên tham gia thỏa thuận cho biết “thỏa thuận mới này hướng đến việc bảo lưu các nguyên tắc cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO và tất cả thành viên WTO đều được tự do tham gia bất cứ lúc nào”. Cơ chế này được thiết kế theo hướng đảm bảo nguyên tắc được chú trọng trong pháp luật thương mại quốc tế là quyền được phúc thẩm trong giải quyết tranh chấp.


MPIA là một cơ chế được xây dựng trong vòng 3 tháng, kể từ khi các thành viên thông báo tại Diễn đàn kinh tế thế giới vào tháng 1 năm 2020 về việc tìm kiếm một cơ chế tiếp theo giai đoạn Ban hội thẩm tại WTO. Cơ chế này dựa trên Điều 25 của Thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO về trọng tài giải quyết tranh chấp và tham khảo các đặc điểm chính của cơ chế kháng cáo của WTO, bên cạnh đó có bổ sung một số đặc điểm mới nhằm tăng cường sự hiệu quả về mặt thủ tục. Cơ chế này không nhằm thay thế Cơ quan Phúc thẩm của WTO mà chỉ là cơ chế tạm thời. Khi Cơ quan Phúc thẩm WTO hoạt động trở lại, các vụ việc phúc thẩm sẽ được Cơ quan Phúc thẩm xử lý.


Hiện nay, các thành viên của MPIA đang bắt đầu thực hiện việc chọn nhóm 10 trọng tài có thể được lựa chọn để xử lý các vụ việc kháng cáo trong tương lai. Việc chọn nhóm 10 trọng tài này sẽ được hoàn thành trong 3 tháng tính từ ngày 30 tháng 4 năm 2020. Các trọng tài giải quyết các vụ việc kháng cáo cụ thể sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên từ nhóm 10 trọng tài này.


Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

Quảng cáo sản phẩm