“Cơ hội lớn” ở Morocco

28/11/2008 12:00 - 1418 lượt xem

“Morocco hiện đang là một đại công trường với vô vàn cơ hội hợp tác đang mở ra”.

Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Vương quốc Morocco Abbas El Fassi tại Diễn đàn Đầu tư và Kinh doanh Việt Nam - Morocco được tổ chức tại Hà Nội ngày 25/11 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông.

Morocco được biết đến là 1 trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Phi và có cảng biển ở vị trí hàng đầu của châu lục này. Nằm ở khu vực địa chính trị quan trọng, cửa ngõ của châu Âu mở rộng, của các nước Bắc Phi, Morocco thông qua thực hiện khu vực tự do mậu dịch đang mở rộng giao thương với Liên minh châu Âu, đặc biệt là quy chế nước đi đầu mà khối này dành cho Morocco.

Đồng thời với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số quốc gia ở phía Nam và Đông của Địa Trung Hải trong khuôn khổ của Hiệp định Agadir. Cho đến nay Morocco đã ký Hiệp định thương mại với 55 nước mở ra khả năng tiếp cận hơn 1 tỉ người tiêu dùng và đang mong muốn mở rộng sang khu vực châu á, đặc biệt với Việt Nam.

3 “đại công trường” mời gọi doanh nhân Việt Nam

“Morocco đã trở thành một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại diễn đàn. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới, năm 2007 vừa qua Morocco xuất khẩu sang Việt Nam còn ít, đạt gần 1 triệu Euro nhưng nhập khẩu từ Việt Nam với giá trị lớn hơn nhiều lần đạt gần 40 triệu Euro, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, cà phê, máy móc điện tử và quần áo.

Tại Diễn đàn, Morocco, ông Abdellatif Maazouz, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Morocco khẳng định, Morocco là một thị trường mở, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này và tìm thấy “ngay lập tức” cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực: công nghiệp thực phẩm, công nghệ thông tin viễn thông, công nghệ mỹ phẩm, hóa học, sản xuất ôtô... Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Abbas El Fassi nhấn mạnh Morocco là đại công trường thể hiện trên 3 phương diện.
 
Trước tiên, công trường Morocco hoạt động với một loạt các dự án xây dựng đường sá, các khu du lịch ven biển, các cảng biển, hệ thống kho bãi, các khu công nghệ cao và các khu vực ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, năng lượng mặt trời, các tuyến đường sắt mới.

Morocco cũng là công trường của các cuộc cải cách kinh tế với mục tiêu phát huy mọi sáng kiến và nội lực của nền kinh tế, cải cách khung pháp lí và thể chế nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy hình thành nền kinh tế dựa trên sáng tạo, đổi mới và quản lí tốt rủi ro.

Cuối cùng, Morocco là công trường của những kế hoạch, chiến lược phát triển từng ngành như: kế hoạch xanh cho nông nghiệp, kế hoạch Azur liên quan đến du lịch, chiến lược E-Morocco cho các công nghệ thông tin và tầm nhìn 2015 cho các ngành thủ công nghiệp.

Thủ tướng cho biết 3 “công trường” đó cũng chính là “những dự án mà tôi muốn mời các bạn Việt Nam tham gia” và Thủ tướng đề nghị: “Chúng ta cần phải sáng tạo hơn, ở cấp nhà nước cũng như trong khu vực tư nhân, để tạo đà phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước”.

Đến muộn nhưng không đi chậm

Đại diện các tập đoàn hàng đầu của Morocco tháp tùng Thủ tướng sang thăm Việt Nam đều bày tỏ quan tâm về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tại phiên hỏi đáp, rất nhiều chủ doanh nghiệp Morocco đặt các câu hỏi liên quan đến những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tiềm năng như thủy sản, viễn thông, bảo hiểm... Các doanh nghiệp này cũng tìm hiểu các quy định của Việt Nam liên quan đến tiền lương công nhân, thuê đất trong các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, theo đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư vào Morocco. Mới đây, một liên doanh trong lĩnh vực phốt phát giữa Văn phòng Cherifian Phosphates của Morocco và công ty hóa chất thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thiết lập để cho ra đời liên hiệp xí nghiệp sản xuất axit phốtphoric và phân bón phốt phát.

Sau khi dự án này được cấp phép, đây sẽ là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với tổng nguồn vốn 600 triệu USD. Chính vì vậy, vị đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài lạc quan cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam đến Morocco muộn nhưng chưa phải là người đi chậm”.

Sự lạc quan đó hoàn toàn có cơ sở khi lãnh đạo hai nước Việt Nam-Morocco đang không ngừng tạo ra những khuôn khổ pháp lý thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội kinh doanh tại thị trường của nhau. Bằng chứng là hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam - Morocco đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này của ngài Thủ tướng Morocco. Hai nước cũng đang tiếp tục đàm phán để đi đến ký Hiệp định bảo hộ đầu tư và các lĩnh vực hợp tác khác như hải quan, tài chính, ngân hàng nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Một giải pháp thiết thực hơn nữa được Thủ tướng Abbas El Fassi đề xuất tại Diễn đàn này là thành lập một Hội đồng kinh doanh hỗn hợp để hiện thực hóa các dự án đầu tư và quan hệ đối tác trên các lĩnh vực.

Giải thích rõ hơn sáng kiến này của Thủ tướng, Bộ trưởng Abdellatif Maazouz cho biết: Morocco có vị trí đặc biệt ở Địa Trung Hải, Việt Nam cũng có vị trí đặc biệt ở Đông Nam á, nhờ đó trao đổi kinh tế giữa hai nước hoàn toàn có triển vọng tăng cao. Điều đó tất yếu dẫn đến các hoạt động liên doanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc thành lập Hội đồng kinh doanh hai nước sẽ hoạt động theo hướng đó.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam
Quảng cáo sản phẩm