Công cụ bị bỏ quên?

07/05/2009 12:00 - 2027 lượt xem

Tác giả: Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Thư ký Hội đồng TRC - Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế

Đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng đã từng phản ánh hiện tượng một số loại hàng hóa nước ngoài nhập khẩu bán phá giá, bán hàng với giá thấp do được trợ cấp, nhập khẩu ồ ạt khiến ngành sản xuất nội địa Việt Nam điêu đứng. Tuy nhiên, chưa biện pháp phòng vệ nào được được sử dụng ở nước ta.

Có mà không biết

Tham gia kinh doanh, cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, doanh nghiệp được suy đoán là người hiểu rõ nhất tình hình cạnh tranh trên thị trường và do đó cũng biết về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam quá “ngây thơ”, kinh doanh mà không biết rằng mình đang bị cạnh tranh không lành mạnh và không làm gì để tự bảo vệ mình trước những hành vi đó có thể không hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp đều lúng túng không biết xử trí trước những hành vi đó như thế nào để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Một mặt, không nhiều doanh nghiệp biết rằng Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2002, hai Pháp lệnh về chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với hàng hóa nước ngoài nhập khập vào Việt Nam năm 2004 và rằng các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các Pháp lệnh này đã được Chính phủ và các cơ quan liên quan soạn thảo, ban hành tương đối đầy đủ. Đây là những công cụ đã được Nhà nước chuẩn bị sẵn để doanh nghiệp, hiệp hội sử dụng từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO, với quan điểm rằng chúng ta mở cửa tự do thương mại nhưng cũng chuẩn bị sẵn các công cụ cần thiết để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh từ quá trình mở cửa này.

Mặt khác, một số doanh nghiệp, hiệp hội đã biết về các công cụ pháp lý này nhưng lại không hiểu rõ về những điều kiện, đòi hỏi về pháp lý và thủ tục mà mình cần tuân thủ để có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả.

Nói một cách khác, doanh nghiệp và hiệp hội của chúng ta có “vũ khí tự vệ” trong tay nhưng hoặc là không biết mình đang sở hữu chúng, hoặc là biết là có mà không được hướng dẫn cách sử dụng như thế nào cho đúng và hiệu quả.

Thời gian gần đây, với những nỗ lực tuyên truyền của nhiều đơn vị liên quan, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (qua Hội đồng tư vấn về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), tình hình đã được cải thiện hơn chút ít. Một số hiệp hội và doanh nghiệp đã bắt đầu nghĩ đến công cụ này để bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn chưa một lần sử dụng “vũ khí tự vệ” này. Điều này cho thấy ngoài vấn đề nhận thức, còn những nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng này.

Biết mà khó sử dụng

Pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam được soạn thảo và ban hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản của WTO về vấn đề này (Hiệp định về chống bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định về biện pháp tự vệ). Vì vậy, những điều kiện về thủ tục cũng như nội dung phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu trong các Hiệp định này và về cơ bản, chúng không dễ đáp ứng nếu không có sự chuẩn bị công phu.

Ví dụ, để có thể đi kiện được, ngành sản xuất sản phẩm liên quan phải tập hợp được đủ các nhà sản xuất đại diện cho ít nhất 25% tổng sản lượng sản xuất trong nước sản phẩm đó. Nếu lợi ích của ngành quá chia rẽ hoặc mâu thuẫn thì không dễ đáp ứng được điều kiện này. Ngoài ra, để theo kiện, nguyên đơn phải tập hợp được đầy đủ chứng cứ, phải có lập luận vững vàng và tham gia suốt các giai đoạn của quá trình tố tụng liên quan. Đây là quá trình phức tạp và khá tốn kém vì chi phí mà doanh nghiệp cả ngành phải bỏ ra để có được kết quả có lợi (áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu) không phải là nhỏ. Nếu doanh nghiệp không có tính toán lợi ích dài hạn thì khó có thể làm được việc này.

Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, tính cộng đồng chưa đạt được mức độ gắn kết mong muốn, không dễ để có thể đáp ứng được những điều kiện chủ quan để sử dụng công cụ pháp lý được xem là rất hữu hiệu này.

Ngoài ra, có một thực tế là ngay cả khi các doanh nghiệp và hiệp hội đáp ứng được những điều kiện này, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại vẫn không hẳn đã hiện thực. Một số điều kiện khách quan để làm việc này dường như nằm ngoài khả năng của các hiệp hội và doanh nghiệp.

Có thể sử dụng nhưng…

Để khởi kiện yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ, nguyên đơn phải cung cấp được các thông tin và bằng chứng về rất nhiều các yếu tố như thống kê về lượng nhập khẩu, về giá nhập khẩu, biến động của sản xuất trong nước, tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đối với sản xuất, việc làm, doanh thu, thị phần, giá… của cả ngành sản xuất nội địa. Từng doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp khó có thể tập hợp hay có được những thông tin như vậy nếu không có sự hỗ trợ thông tin từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan (Hải quan, Thống kê…). Trên thực tế ở hầu hết các nước, ngành sản xuất nội địa luôn luôn dựa vào những thông tin thống kê chi tiết mà các cơ quan Nhà nước công khai cho doanh nghiệp để sử dụng cho việc đi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ.

Trong hoàn cảnh phần lớn những thông tin liên quan như trên ở Việt Nam chỉ có các cơ quan Nhà nước có và một cơ chế để công khai thường xuyên hoặc ít nhất là có thể tiếp cận các thông tin này trong những trường hợp cụ thể chưa được xác định thì đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp, hiệp hội khi cân nhắc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Những thực tế nêu trên cho thấy, để có thể sử dụng thành công các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trước hàng hóa nước ngoài nhập khẩu, doanh nghiệp và hiệp hội Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Một mặt, năng lực pháp luật và nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội về vấn đề này phải được tăng cường. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và các điều kiện sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì mới có thể hy vọng họ hành động đúng và kịp thời. Một số đơn vị, trong đó đáng kể là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đang nỗ lực để thực hiện việc này và sẵn sàng hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp và hiệp hội khi có yêu cầu.

Mặt khác, cần có những cơ chế để hỗ trợ thông tin từ phía Nhà nước đối với những nhóm thông tin mà doanh nghiệp không thể tự tập hợp hay thống kê được. Đây là sự hỗ trợ và cũng đồng thời là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan để thực thi những văn bản pháp luật liên quan.

Tất cả những điều này đều không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để chúng ta bằng lòng với việc chấp nhận thua thiệt trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu trên chính thị trường nội địa của chúng ta. Kinh nghiệm từ các nước khác (đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, hai nước thuộc nhóm bị kiện nhiều nhất và cũng đi kiện nhiều nhất) cho thấy “vừa học vừa làm” là cách thức rất đáng cân nhắc./

Nguồn: Báo Doanh nhân số 26 - VCCI

Quảng cáo sản phẩm