Cuộc chiến dai dẳng về gỗ mềm giữa Canada và Mỹ

08/01/2017 12:00 - 1104 lượt xem

Các nhà sản xuất gỗ mềm của Canada lo ngại những biện pháp trả đũa của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm và khiến một loạt nhà máy ở miền Bắc phải đóng cửa.

Cuộc chiến về gỗ mềm giữa Canada và Mỹ vừa có bước ngoặt tiếp theo sau khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ ra quyết định sơ bộ khẳng định các sản phẩm gỗ mềm của Canada “được trợ cấp và bán tại Mỹ với giá thấp hơn giá trị thực”.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn tuyên bố của Ủy ban trên cho biết các nhà điều tra đã tìm thấy những bằng chứng phù hợp về việc sản phẩm gỗ mềm của Canada gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ.

Điều này dẫn tới giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến về gỗ mềm giữa hai nước khi Mỹ chuyển sang xem xét áp đặt các mức thuế đối kháng sơ bộ và thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với sản phẩm của Canada.
Cũng theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, Bộ Thương mại nước này sẽ tiếp tục điều tra chống bán phá giá và chống trợ giá đối với các sản phẩm gỗ mềm nhập khẩu từ nước láng giềng phía Bắc.

Người phát ngôn của Ủy ban, bà Peg O'Laughlin cho biết: “Trong giai đoạn cuối cùng, thường sẽ kéo dài và liên quan đến các cuộc điều tra sâu hơn, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định chính thức xem ngành công nghiệp gỗ mềm của Mỹ chịu tổn thất từ việc nhập khẩu như thế nào”.

Phán quyết sơ bộ của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ buộc các nhà nhập khẩu gỗ mềm tại Mỹ phải ứng tiền đặt cọc cho một số loại thuế đối kháng sơ bộ sẽ có hiệu lực từ cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba, cũng như một số loại thuế chống bán phá giá sơ bộ từ giữa tháng Năm tới.

Các nhà sản xuất gỗ mềm của Canada lo ngại những biện pháp trả đũa của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm và khiến một loạt nhà máy ở miền Bắc phải đóng cửa.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Chrystia Freeland khẳng định Ottawa đã sẵn sàng cho mọi tình huống và chính phủ sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của người lao động cũng như các nhà sản xuất trong nước. 

Năm 2015, tổng giá trị gỗ mềm xuất khẩu của Canada sang Mỹ đạt 4,5 tỷ USD.
Các cuộc điều tra được phía Mỹ tiến hành dựa trên bản kiến nghị của Liên đoàn Gỗ xẻ đệ trình tháng 11/2016, trong đó cáo buộc các chính quyền địa phương ở Canada - vốn là chủ sở hữu hàng loạt cánh rừng trồng gỗ lớn - đã bán phá giá nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp tại Canada kèm theo một vài hỗ trợ khác.

Vì vậy, sản phẩm gỗ mềm của Canada có giá thành thấp hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại tại Mỹ và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp gỗ mềm của Mỹ cũng như các ngành phụ trợ./.

Nguồn: TTXVN
Quảng cáo sản phẩm