Cuộc chiến thương mại giữa Indonesia và Trung Quốc

20/08/2007 12:00 - 1456 lượt xem

Tuần trước, cơ quan giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch Trung ương Trung Quốc (AQSIQ) đã tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu mọi mặt hàng thủy sản của Indonesia sau khi kiểm tra phát hiện có chứa độc tố, hóa chất và mầm bệnh có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Martani Huseini, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Thủy sản và Các vấn đề biển của Indonesia cho rằng quyết định của Trung Quốc về việc cấm nhập khẩu hàng thủy sản Indonesia là để đáp trả lại lệnh cấm nhập khẩu của Indonesia được áp dụng vào tháng trước đối với các phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc của Trung Quốc.
 
Theo một thông tư được đăng tải trên trang web của AQSIQ, những lô hàng xuất khẩu nhận trước ngày 3 tháng 8 sẽ được kiểm tra cẩn thận, trong khi mọi lô hàng được nhận sau mốc thời gian trên sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
 
Thông báo này được công bố khi các sản phẩm của Trung Quốc, từ thuốc đánh răng tới đồ chơi, vỏ xe và cá đang được Indonesia tăng cường kiếm tra và vài trường hợp đã bị cấm sau khi phát hiện nhiễm bẩn hoặc không an toàn.
 
Ông Martani Huseini cho biết hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề này và hi vọng quyết định của Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Indonesia sang các thị trường khác.
 
Indonesia sẽ điều tra những tuyên bố của Trung Quốc nhưng họ vẫn tin rằng đã đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế trong quy trình chế biến thủy sản.
 
Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Indonesia, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm sang nước này đạt khoảng 150 triệu USD.
 
Chính quyền Trung Quốc cho biết các sản phẩm của Indonesia đã bị nhiễm thủy ngân và cadmium, những kim loại có thể có trong nước và đất. Cả hai chất này đều có khả năng làm tổn hại thần kinh, gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác cho con người.
 
Hiện chính phủ Indonesia đang yêu cầu phía Bắc Kinh giải thích về việc đột ngột áp dụng lệnh cấm nhập khẩu hàng thủy sản này.
 
Ngày 4 tháng 8 Indonesia đã phác thảo một lá thư yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề để gửi tới chính phủ Trung Quốc thông qua Đại sứ quán Indonesia tại Bắc Kinh.
 
Indonesia muốn có kết quả kiểm tra của phòng thí nghiệm hoặc những bằng chứng khác mà Trung Quốc dựa vào đó để áp đặt lệnh cấm này. Ngoài ra, bộ trưởng Thủy sản Indonesia Freddy Numberi cũng muốn biết những sản phẩm nào có trong danh sách cấm và những nhà sản xuất hay xuất khẩu nào có liên quan.
 
Các đại diện của ngành thủy sản, các bộ Thương mại và Ngoại thương Indonesia đã có cuộc gặp mặt với hiệp hội các nhà kinh doanh thủy sản của đất nước để bàn hướng giải quyết.

Và ngày 6 tháng 8, Indonesia đã quyết định cấm nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng của Trung Quốc sau lệnh cấm nhập các loại kẹo được Trung Quốc có chứa fomanđêhyt hồi tháng trước.

Tuy nhiên, bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Elka Pangestu cho biết lệnh cấm này không phải là sự trả đũa cho quyết định của chính phủ Trung Quốc hồi tuần trước về việc cấm nhập khẩu tạm thời hàng thủy sản từ Indonesia.

Bà giải thích rằng những gì mà Indonesia đang làm chỉ đơn thuần là sự kiểm tra bình thường với mục tiêu chính là nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và nhằm kiểm soát việc phân phối những sản phẩm nhập khẩu lậu.

Danh sách những mặt hàng bị cấm mới được Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) ban hành ngày 1 tháng 8 và công bố ngày 6 tháng 8, bao gồm 26 mặt hàng mỹ phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippine.

Indonesia cho rằng họ đã phát hiện một số mỹ phẩm Trung Quốc có chứa thủy ngân và rhodamin, nhiều loại thuốc có chứa hóa chất cấm và nhiều phụ gia thực phẩm có chứa hóa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo BPOM, rhodamin được sử dụng để tạo màu cho các sản phẩm, từ giấy tới mỹ phẩm và thực phẩm. Chất này có thể gây kích ứng nếu để dính vào mắt hoặc da và sẽ độc hại nếu ăn phải.
 
Trong số những sản phẩm mỹ phẩm bị cấm sau khi phát hiện có chứa hóa chất nguy hiểm, chỉ hai sản phẩm đã được đăng ký nhập khẩu chính thức.

BPOM cũng cho biết đã cấm thêm 42 loại kẹo nhập khẩu của Trung Quốc có chứa formandehyde.

Bà Mari khẳng định lại rằng lệnh cấm này không có sự phân biệt đối xử đối với Trung Quốc mà là nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Theo: TTXTTM

07/08/2007

Nguồn: Cục Xúc tiến Thương mại
Quảng cáo sản phẩm