Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro thương mại

18/06/2018 11:05 - 971 lượt xem

Thời gian gần đây, hàng hóa xuất khẩu (HHXK) của Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Đây là xu hướng tất yếu khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ trong xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại được các nước áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác kháng kiện, bảo đảm thị trường và giá trị thặng dư cho HHXK.

Xuất khẩu càng cao thì các vụ kiện phòng vệ thương mại càng tăng

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 130 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với HHXK của Việt Nam. Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (77 vụ), tiếp theo là các vụ việc tự vệ (23 vụ), vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (17 vụ), vụ việc chống trợ cấp (11 vụ). Hàng hóa là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Đáng chú ý, trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, da giày mới bị kiện, nhưng nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Theo Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung, trong bối cảnh tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến việc các nước tăng cường sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ hợp pháp để tăng thuế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước. Khi xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, HHXK của Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro cao hơn phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Chuyển cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, tình hình chính trị khu vực, trên thế giới phức tạp, xu hướng bảo hộ gia tăng, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá "nóng" vào một thị trường, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu để tránh tình trạng khi một thị trường có biến động sẽ ứng phó không kịp. 

Cho rằng nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam đang có nhiều điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, song theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, đây cũng là nhóm hàng đối diện với xu hướng bảo hộ ngày càng phổ biến tại các nước. Hiện nay, mức độ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của các mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, phụ thuộc nhiều vào các thị trường khu vực châu Á (chiếm 52,7%), trong đó, một số mặt hàng (sắn, cao su, thanh long,...) phụ thuộc lớn vào một thị trường. Giải pháp quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam là cố gắng tận dụng cơ hội mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán. “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương chủ động nắm bắt thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật; phát huy cơ chế cảnh báo sớm cho doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, cung cấp thông tin về thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

Còn theo ông Chu Thắng Trung, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, đồng thời gia tăng khả năng thành công khi tham gia vào các vụ kiện, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách chủ động cập nhật những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho phù hợp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho mình trong tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác nước ngoài vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. “Khi vụ việc đã được khởi xướng điều tra, doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tham gia vào công tác kháng kiện, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp. Thông thường, mức thuế được tính trên dữ liệu sẵn có bất lợi này rất cao, có thể dẫn tới việc doanh nghiệp hoàn toàn mất khả năng cạnh tranh và buộc phải rút khỏi thị trường”, ông Chu Thắng Trung lưu ý.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Quảng cáo sản phẩm