Đã qua giai đoạn “ngủ đông” về phòng vệ thương mại

30/10/2020 12:00 - 191 lượt xem

Công cụ phòng vệ thương mại đang được cơ quan quản lý nhà nước, các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng ngày một chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ thuận với mức độ hội nhập của nền kinh tế.

Đó là chia sẻ của bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khi trao đổi với phóng viên về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, hàng Việt đã bị các quốc gia khởi kiện tới 32 vụ - một con số kỷ lục. Điều này có gì bất thường không, thưa bà?

Nếu cả năm 2019, hàng xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận 16 vụ bị khởi kiện mới, thì chỉ 9 tháng của 2020 đã ghi nhận đến 32 vụ kiện. Điều này cho thấy mức độ sử dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ hàng hóa của nước nhập khẩu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đây là điều đã được dự báo từ trước, do nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng, trong khi xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ vẫn tiếp tục chiếm vị trí chủ đạo trong thương mại quốc tế.

Không chỉ tăng về số vụ, mà danh mục mặt hàng bị kiện cũng gia tăng?

Đúng vậy. Trước đây, hàng hóa bị kiện chủ yếu rơi vào nhóm hàng thủy sản, giày mũ da, xơ sợi, thì nay đã mở rộng sang các mặt hàng như sắt thép, nhôm, kim loại, gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất.... Thị trường khởi kiện hàng hóa Việt Nam cũng không còn bó hẹp tại Mỹ, Australia, EU nữa, mà gần đây, các nước ASEAN cũng đã khởi kiện nhiều vụ việc với hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2020, đã có gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ chống bán phá giá, 22 vụ chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra phòng vệ với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, có vẻ như các công cụ phòng vệ thương mại vẫn chưa được Việt Nam sử dụng như chiếc “phao cứu sinh”, giúp bảo vệ ngành sản xuất nội địa, thưa bà?

Thật ra, Việt Nam đã có một giai đoạn “ngủ đông”, khi chưa thực sự nhanh nhạy với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Đến khi một loạt FTA đi vào thực thi, thuế nhập khẩu giảm sâu, tác động của quá trình hội nhập thể hiện rõ, thì công cụ này mới được sử dụng nhiều hơn.

Phải đến năm 2013, Việt Nam mới có vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên là đối với thép không gỉ, đến 2015 với thép mạ và năm 2016 là khởi kiện với thép hình chữ H nhập từ Trung Quốc. Liên tiếp từ đó đến nay, công cụ chống bán phá giá đã được sử dụng nhiều hơn.

Đặc biệt, ngoài sử dụng biện pháp chống bán phá giá, mới đây, lần đầu tiên, Việt Nam sử dụng biện pháp điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.

Tổng số vụ việc Việt Nam khởi kiện hàng hóa nước ngoài đến nay là 20 vụ, trong đó có 13 vụ kiện chống bán phá giá, 6 vụ điều tra tự vệ và 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp.

Đã có vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ nào “cứu” được ngành sản xuất trong nước, thưa bà?

Tôi phải nói ngay, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ đã được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép áp dụng. Trong đó, chống bán phá giá là biện pháp được Việt Nam sử dụng nhiều hơn cả.

Thật ra, biện pháp nào đưa ra cũng có những mặt tích cực và tiêu cực, nhưng có thể thấy ngay mặt tích cực là tăng thu cho ngân sách nhà nước nhờ tăng thuế nhập khẩu, có mặt hàng ta áp tới 38%; đồng thời bảo vệ ngành sản xuất trong nước (đóng góp trên 6% tổng GDP năm 2019), giúp doanh nghiệp vượt qua được khủng hoảng.

Năm 2018, trong số 20 doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam, có tới 18 doanh nghiệp lỗ do không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ. Nhưng khi điều tra áp thuế chống bán phá giá, thì chỉ sau 1 năm, đa số doanh nghiệp đã cải thiện được hiệu quả sản xuất - kinh doanh và chỉ còn vài doanh nghiệp lỗ lũy kế.

Một điều tích cực nữa là việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với hàng hóa nhập khẩu cũng có tác động tích cực khiến các thị trường nhập khẩu hàng hóa tương tự đó hạn chế kiện phòng vệ với hàng xuất đi từ Việt Nam.

Như vậy, với việc thực thi 13 FTA đã hiện hữu và 3 FTA đang đàm phán, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong áp dụng công cụ phòng vệ?

Trong 5 năm gần đây, việc thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại được Việt Nam triển khai hiệu quả hơn, bảo vệ được ngành sản xuất trong nước.

Nếu năm 1993, khi nhận thông báo điều tra phòng vệ của Colombia với gạo Việt Nam, rồi sau đó EU điều tra với bật lửa, đa số doanh nghiệp trong diện bị kiện không có phản ứng gì, thì từ năm 2002, khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá với cá tra, cá basa Việt Nam, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp đã chung sức chống đỡ. Hiện nay, chúng tôi nhận được nhiều thông tin chủ động từ doanh nghiệp hơn để thông báo về những mặt hàng của Việt Nam đang bị cảnh báo ở thị trường nhập khẩu, đặc biệt là sự chủ động rất tích cực từ khối doanh nghiệp FDI.

Dẫu vậy, hạn chế vẫn còn không ít, như pháp luật về phòng vệ thương mại chưa hoàn thiện, năng lực cơ quan phòng vệ thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu; nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp chưa cao và thiếu sự phối hợp với cơ quan quản lý.

Nhằm khắc phục hạn chế, Bộ Công thương đang hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA nhằm bảo vệ hợp pháp ngành sản xuất trong nước, tăng cường khả năng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu.
 
Quảng cáo sản phẩm