Đàm phán Doha sụp đổ: Phương Tây chỉ “hé cửa” với hàng hóa từ nước nghèo

04/08/2008 12:00 - 1366 lượt xem

Hành trình 7 năm đàm phán với mục tiêu tự do hóa thương mại toàn cầu đã sụp đổ vào tối 29/7 khi các cường quốc kinh tế phương Tây và những nước đang phát triển vẫn còn quá nhiều khác biệt.

Bộ trưởng thương mại các nước nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 21/7 trong nỗ lực được xem như cuối cùng để khai thông vòng đàm phán Doha, nhưng cánh cửa đã đóng sập lại khi Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ từ chối cam kết về các biện pháp nhằm bảo vệ nông dân tại các nước đang phát triển trước xu thế tự do hóa thương mại.

Trung Quốc xem sự sụp đổ này là bước thụt lùi nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới, trong khi Liên minh châu Âu (EU) gọi đây là một cú sốc.

Ngày 30/7, ông Eduardo Ermit, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Gloria Arroyo cho rằng những nền kinh tế nhỏ như Philippines sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự sụp đổ của vòng đàm phán Doha.

Vòng đàm phán Doha được khởi động từ năm 2001 tại thủ đô của Qatar với mục tiêu giúp hàng hóa của các nước nghèo có cơ hội xâm nhập nhiều hơn vào thị trường của nước giàu bằng việc yêu cầu nước giàu giảm trợ cấp nông nghiệp trong nước.

Nếu mục tiêu này thành công, sẽ có hàng triệu người ở các nước đang phát triển thoát khỏi cảnh nghèo đói. Mặt khác, những nước giàu có ở phương Tây cũng yêu cầu các nền kinh tế đang phát triển mở cửa hơn nữa cho hàng hóa của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đặt mục tiêu đạt thỏa thuận cuối cùng trước năm 2005, nhưng vòng đàm phán Doha đã nhiều lần thất bại.

Trung Quốc cho rằng thái độ thiếu thiện chí và thậm chí là ích kỷ của các nước phát triển khiến các cuộc đàm phán thương mại thất bại. Mỹ và EU không đồng ý giảm các khoản trợ cấp lớn dành cho nông dân của họ. Trong khi đó, Nhật Bản lại chỉ trích thái độ của Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo quan chức Nhật Bản, vị thế của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ hiện đã gia tăng so với cách đây 7 năm khi khởi động vòng đàm phán Doha nên họ cần có nhiều trách nhiệm hơn.

Hiển nhiên sự sụp đổ của vòng đàm phán Doha sẽ không phải là dấu chấm hết cho các hoạt động thương mại toàn cầu vì nó vẫn sẽ tiếp tục dựa trên các thỏa thuận hiện nay. Giới phân tích cho rằng đây là sự chấm dứt mang tính biểu tượng của các thỏa thuận thương mại đa phương.

Thay vào đó, các quốc gia sẽ phải tìm kiếm các thỏa thuận song phương . Hệ quả dễ nhận thấy nhất là tan biến hi vọng của các nước đang phát triển trong việc đưa nhiều hàng hóa vào Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Đàm phán sụp đổ, nhưng Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy, khẳng định ông sẽ không từ bỏ nỗ lực trong việc đưa các thành viên WTO tới một thỏa thuận chung có lợi cho cả nước nghèo và nước giàu. Cao ủy Thương mại EU Peter Mandelson miêu tả đây là “thất bại có lựa chọn” và nhiệm vụ sắp tới là lấy lại niềm tin trong WTO.

Đại diện thương mại Mỹ và Susan Schawab cũng bày tỏ hi vọng trở lại cuộc đàm phán với nhiều tham vọng hơn. Đại diện của Ấn Độ cho biết sẽ không từ bỏ, trong khi Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim khẳng định đàm phán không “chết”.

31/07/2008  

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Quảng cáo sản phẩm