Đàm phán Mỹ - Trung: Một "lối thoát" đã định hình?

11/01/2019 12:00 - 415 lượt xem

Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu áp lực lớn từ cuộc chiến thương mại, ngay cả khi có thể đạt được thỏa thuận, tình trạng căng thẳng giữa hai nước cũng khó lòng được triệt tiêu hoàn toàn.

Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc ba ngày đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng một cách tích cực, làm tăng hy vọng rằng một thỏa thuận sẽ đạt được, giúp tháo nút thắt trong mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này.

Dấu hiệu cuộc chiến đã hạ nhiệt?

Mặc dù không có mặt trực tiếp tại Bắc Kinh, tuy nhiên theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, cuộc hội đàm đã "tập trung vào cam kết của Trung Quốc để mua một lượng lớn nông sản, năng lượng, hàng hóa sản xuất và các sản phẩm và dịch vụ khác từ Mỹ".

Ông Lighthizer nói thêm rằng, các bên thảo luận "cách để đạt được sự công bằng, có đi có lại trong quan hệ thương mại". Tuyên bố của Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết thêm phái đoàn Mỹ sẽ "báo cáo lại để nhận được hướng dẫn về các bước tiếp theo", tuy nhiên thông báo này không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã ra thông cáo ngắn gọn vào thứ Năm, mô tả cuộc đàm phán giữa hai bên là một cuộc trao đổi "trao đổi sâu sắc và chi tiết về các vấn đề thương mại, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như đặt nền tảng cho việc giải quyết các mối quan tâm của nhau".

Theo đó, khả năng có thỏa thuận thương mại trước thời điểm ngày 1.3 là cao nhưng về tổng thể, sức ép từ Mỹ lên Trung Quốc sẽ không giảm. Tuy vậy, Mỹ có thể sẽ chuyển dần sức ép từ mặt trận thương mại sang các vấn đề mang tính chọn lọc khác như công nghệ, chính trị, quân sự…
Trước đó, tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm các nước G20 tại Argentina hồi đầu tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý gói nhập khẩu các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ lên tới 1,2 nghìn tỷ USD. Đậu nành và khí tự nhiên là những lựa chọn hàng đầu cho gói nhập khẩu này.

Cụ thể, Bắc Kinh đã đề xuất tăng nhập khẩu nông nghiệp và năng lượng của Mỹ thêm 200 tỷ USD mỗi năm trong các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng vào tháng 6 năm ngoái. Giới quan sát tin động thái này của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc đã ủng hộ việc tăng cường nhập khẩu để tránh được thuế quan bổ sung từ Mỹ.

Các cuộc đàm phán kéo dài ba ngày vừa qua cũng tập trung vào các vấn đề mà Mỹ đã luôn lên án Trung Quốc, như vấn đề về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ hay chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, mặc dù không có thông tin chi tiết, nhưng Trung Quốc đã thay đổi chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ vào tháng 12 vừa qua thông qua một loạt các cải cách. Trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng tiền phạt vi phạm bằng sáng chế cũng như dự thảo luật về cấm chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài.

Tình trạng căng thẳng vẫn còn

Tại cuộc hội đàm với Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen, Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish đã hoan nghênh các cải cách này của Bắc Kinh.

Các cuộc đàm phán ban đầu được lên kế hoạch trong hai ngày nhưng đã được kéo dài sang đến ngày thứ ba. Đây được xem như một bước tiến mới trong việc giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, cả hai phía vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề về trợ cấp của Chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cương quyết không muốn nhượng bộ về vấn đề này do Bắc Kinh cho rằng đây là vấn đề cốt lõi của cấu trúc kinh tế quốc gia. Trung Quốc sẽ không đàm phán các vấn đề đe dọa "lợi ích quốc gia cốt lõi", Cựu thứ trưởng thương mại Wei Jianguo đã chia sẻ như vậy với Bloomberg.

Hai bên sẽ chuyển sang các cuộc thảo luận cấp bộ trưởng. Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He sẽ gặp Phó Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại Washington, dự kiến vào cuối tháng này.

Trong một diễn biến liên quan, tâm lý của giới đầu tư đã cải thiện đáng kể trong tuần này khi cuộc gặp song phương giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu tích cực.

Bloomberg dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump đang muốn đạt được một thỏa thuận để thúc đẩy các thị trường chứng khoán, yếu tố này xem là thước đo cho sự thành công trong cách lãnh đạo của ông. Bên cạnh đó, Wall Street Journal nhận định, hai bên đang đi đúng hướng.

Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thế giới khá tương đồng với đà đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/1, VN – Index tăng 9,55 điểm lên 896,99 điểm.

Khối lượng giao dịch đạt hơn 160,57 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị gần 3.000 tỷ đồng. Toàn sàn có 176 mã tăng giá, 68 mã đứng giá và 100 mã giảm giá.

HNX – Index tăng 0,78 điểm lên 102,13 điểm, tương ứng với giá trị hơn 693 tỷ đồng. Toàn sàn có 68 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 54 mã giảm giá.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
 
Quảng cáo sản phẩm