Đăng ký mã REX để hưởng ưu đãi thuế quan vào EU: Có không cần, cần không có, vì sao?

25/05/2020 12:00 - 853 lượt xem

Sau ngày 30/6, hải quan EU, Na Uy, Thụy Sĩ sẽ không chấp nhận chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu A để doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). EU yêu cầu các doanh nghiệp Việt nhanh chóng đăng ký tự chứng nhận xuất xứ (mã REX).


Đến nay, còn nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký mã REX. Nhiều trường hợp cần thì không biết, người được cấp lại không dùng.


Đẩy nhanh tiến độ đăng ký mã REX               


Thời gian qua, Bộ Công Thương và VCCI đã liên tục tổ chức các hội thảo, lớp học phổ biến các quy định về quy tắc xuất xứ của EU, Na Uy và Thụy Sĩ. Đồng thời, liên tục khuyến cáo, thông báo thời điểm cuối cùng (ngày 30/6/2020) để được cấp C/O mẫu A cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường trên và khuyến khích các doanh nghiệp sớm nộp hồ sơ đăng ký mã số REX.Việc đăng ký mã số REX cho thương nhân do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện theo Quyết định ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công thương. Để đảm bảo tiến độ triển khai cơ chế REX tại Việt Nam, ngay sau khi ban hành Quyết định ủy quyền, Bộ Công thương đã thông báo các doanh nghiệp liên hệ với VCCI gần nhất để được hướng dẫn và đăng ký mã số REX theo nhu cầu. Bộ Công thương cũng liên tục có công văn đôn đốc, đề nghị VCCI khẩn trương triển khai đăng ký sớm cho doanh nghiệp.


Trong ba tháng gần đây, việc đăng ký mã số REX cho doanh nghiệp được VCCI đẩy nhanh nhằm đảm bảo việc hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP của doanh nghiệp không bị gián đoạn. Số lượng thương nhân được đăng ký mã số REX tăng nhanh. Tới nay, theo thống kê của VCCI, đã có hơn 1.200 thương nhân được đăng ký mã số REX. Số lượng hồ sơ đã nộp để đăng ký mã số tại VCCI đang chờ sửa đổi, bổ sung, xét duyệt còn 280 hồ sơ. Các Tổ cấp C/O của VCCI đã và đang tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp khai báo trực tuyến hồ sơ đăng ký mã số REX trên trang điện tử của EU và VCCI.


Mã REX là kế hoạch về tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) được Cộng đồng Châu Âu (EC) triển khai tới toàn bộ các nước thụ hưởng GSP. Theo Quy định thực thi số 2015/2447 của Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/11/2015, EC áp dụng cơ chế cho phép các nhà xuất khẩu đăng ký được tự chứng nhận xuất xứ chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, dần thay thế hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A hiện nay.


Việt Nam thuộc nhóm nước triển khai đăng ký mã số REX trong năm 2019 và đã được gia hạn 6 tháng đến hết 30/6/2020. Sau khi doanh nghiệp được đăng ký mã số REX, cơ quan hải quan EU không chấp nhận hình thức C/O mẫu A do các tổ chức cấp như hiện nay.


Không ít doanh nghiệp chưa rõ thông tin đăng ký


Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký mã số REX đến thời điểm hiện tại đã là 1.200, tuy nhiên con số này vẫn  còn ít so với số lượng thương nhân đề nghị cấp C/O mẫu A năm trước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đăng ký và đã được cấp lại không dùng đến. Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Sản xuất dụng cụ thể thao Kiều Minh (KCN Tràng Bàng, Tây Ninh). Từ cuối năm 2019 công ty này đã chuẩn bị tất cả các hồ sơ, giấy tờ liên quan để xin cấp mã số REX, nhưng phải tới tháng 3 năm nay mới được VCCI cấp mã số. “Hiện tại chúng tôi chưa sử dụng mã số REX cho các lô hàng xuất khẩu mới vì các khách hàng nhập khẩu từ EU chưa yêu cầu”, bà Trần Thị Phúc - Kế toán trưởng Công ty Kiều Minh cho biết.


Bà Ngô Thanh Thủy- Trưởng Phòng XNK Công ty Kanaan Sai Gon chia sẻ, dù đã có mã số REX song có một số khách hàng tại EU chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Họ cho rằng thời gian gia hạn kéo dài đến đến tháng 6/2020.


Ngoài trường hợp một số đối tác tại EU chưa đòi mã REX thì nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc doanh nghiệp chưa mặn mà là dịch bệnh Covid-19. Như đã biết, dịch bệnh đã khiến các nền kinh thế lớn trên thế giới gần như tê liệt. Các hoạt động giao thương bị hạn chế, nhiều đơn hàng đã và đang chuẩn bị ký kết giữa doanh nghiệp Việt và các đối tác tại EU buộc phải hủy hoặc hoãn.


Hiện tại rất nhiều khách hàng lớn của công ty đang hỏi các vấn đề liên quan đến việc xin cấp REX nhưng doanh nghiệp phải trì hoãn với lý do đang trong thời gian dịch bệnh. Hiện tại doanh nghiệp rất bối rối không phải biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, làm theo lộ trình ra sao. “Lộ trình của VCCI khi kết hợp với hải quan và các bộ phận liên quan khác để kiểm tra doanh nghiệp cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để quá trình triển khai của doanh nghiệp không bị sai sót”, bà Thảo đề xuất.Ngoài việc được cấp nhưng chưa sử dụng thì doanh nghiệp cũng đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai sau khi được cấp mã REX. Bà Lê Thị Thu Thảo - Phó Giám đốc Phụ trách XNK của BS Group cho biết, công ty đã có mã số nhưng chưa tiến hành áp dụng được vì doanh nghiệp chưa có được thông tin hướng dẫn cụ thể để thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể từ VCCI.


Lý do được bà Thảo cho biết, thị trường EU đã áp dụng REX từ mấy chục năm nay nhưng Việt Nam đi sau cho nên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra rất cao của khách hàng. Doanh nghiệp phải xuất trình, giải trình được tất cả các yêu cầu tiêu chuẩn REX.


Với Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, các thủ tục về đăng ký mã REX và những yêu cầu từ phía EU vẫn chưa được công ty cập nhật. “Hiện chúng tôi vẫn chưa đăng ký mã REX vì từ trước đến nay chưa quan tâm đến. Nay phía đối tác bắt buộc thì đương nhiên công ty cần phải làm, nhưng không biết thời gian cấp bao lâu vì hạn cuối chỉ còn hơn 1 tháng”, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT công ty Gia Định thông tin.


Về vấn đề thời gian cấp, và số lượng doanh nghiệp đăng ký còn ít so với việc đăng ký C/O, đại diện phòng thương mại VCCI cho biết, đã thông tin vấn đề này nhiều lần đến các doanh nghiệp thông qua các buổi hội thảo và các lớp học phổ biến quy tắc do VCCI tổ chức. Việc số lượng doanh nghiệp đăng ký như trên không thể nói là ít hay nhiều, vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiêu chuẩn để được cấp mã REX. “Khi nhận thông tin đăng ký thì thời gian cấp mã cũng rất nhanh, chưa mất đến 10 ngày. Sau ngày 30/6, có thêm doanh nghiệp đăng ký chúng tôi vẫn tiến hành cấp bình thường. Không có việc sẽ ngừng cấp mã REX sau ngày 30/6 như nhiều đơn vị lo lắng”, đại diện VCCI cho biết.


Nguồn: Thế giới Tiếp thị

Quảng cáo sản phẩm