Đằng sau con số xuất khẩu kỷ lục - Không nên lệ thuộc vào một thị trường

14/05/2018 12:00 - 1473 lượt xem

Năm 2017 là một năm thành công của xuất khẩu Việt Nam khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 200 tỷ USD. Tuy nhiên, phía sau con số ấy, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cán cân thị trường của một số ngành hàng đang bị lệch.

Samsung hắt hơi, xuất khẩu Việt Nam cảm cúm

So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD) - thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu sau 7 năm đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, nếu trên thế giới có quốc gia nào làm tăng chiếc bánh xuất khẩu nhanh nhất thì đó chính là Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định tại Hội nghị xúc tiến xuất khẩu diễn ra mới đây: "Xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp FDI, cụ thể là khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng như chiến tranh thương mại, dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới..., xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh".


Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 3 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm hàng điện thoại, máy vi tính và linh kiện vẫn chiếm áp đảo. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thực vậy, năm 2017, xuất khẩu Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 155,1 tỷ USD (bao gồm cả xuất khẩu dầu thô), chiếm đến 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong chỉ xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 59 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 73,76 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 20,28 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm tới 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu khi đạt 53,48 tỷ USD. 

Các doanh nghiêp FDI thực sự đang là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng thế mà thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, khi Samsung gặp sự cố phải thu hồi dòng sản phẩm Galaxy Note 7 đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam. 

Điều này có thể lặp lại với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI khác bởi họ đã xây dựng được chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng xảy ra những rủi ro trong thương mại là rất lớn. 

Theo Bộ Công Thương, hiện nay xuất khẩu đã chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử thì tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%, thay vì 21,2%. Mà các mặt hàng này chủ yếu trong tay các doanh nghiệp FDI.

Giả sử khi có những thay đổi về môi trường đầu tư, các doanh nghiệp FDI chuyển sang đầu tư tại các nước khác thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng bởi doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức vươn lên. 

Nhiều mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất như sắn, cao su, thanh long...

Mới đây, một số loại nông sản như nhãn, vải thiều... đã được Việt Nam đàm phán xuất khẩu thành công sang một số thị trường châu Âu, châu Úc. Tuy nhiên sản lượng không đáng là bao so với số lượng xếp hàng dài chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Hình ảnh hàng dài xe chở nông sản Việt Nam như thanh long, dưa hấu chờ thông quan sang Trung Quốc cho thấy, nếu quá dựa vào 1 thị trường nào đó thì hàng xuất khẩu sẽ rất lệ thuộc và bị động.

Các chuyên gia kinh tế đang lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam khi đây đều là những nước có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng đầu với Việt Nam. 

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đứng thứ 3, đạt 10,7 tỷ USD, tăng 29%.

Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc cũng là thị trường có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam. 

Theo PGS TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), về mặt xuất khẩu, khi chiến tranh thương mại nổ ra, nhiều hàng trước đây được sản xuất để xuất khẩu đi Mỹ, nay Trung Quốc có thể dùng để phục vụ thị trường nội địa, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc giảm đi. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam đang có nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, hàng Việt có thể sẽ bị "ế".

Ngoài ra, quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bất ổn sẽ tác động mạnh tới tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang 2 nước này cũng chịu nhiều tác động của tỷ giá hai đồng tiền này.

Xu hướng thương mại hiện nay trên thế giới, khi nhiều sắc thuế không còn, các quốc gia đưa ra nhiều chính sách khác để bảo hộ cho hàng hóa nước mình. Nếu Việt Nam phụ thuộc vào một vài thị trường nào đó thì những thay đổi về chính sách bảo hộ của các thị trường này sẽ tác động ngay đến chúng ta. 
Nguồn: Báo Tin tức
Quảng cáo sản phẩm