Để bảo hộ hay bảo đảm an toàn?

21/11/2016 12:00 - 1098 lượt xem


 

 
(TBKTSG) - Ngày 29-10-2016, Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung 15 ngành nghề, đặc biệt trong đó có ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Theo tờ trình của Chính phủ, lý do để bổ sung ngành, nghề này là do ô tô là sản phẩm công nghệ cao, cấu tạo phức tạp và có giá trị lớn. Chất lượng ô tô có ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Do vậy cần áp dụng điều kiện kinh doanh ô tô từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đến bảo hành, bảo dưỡng.

Về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, cho đến ngày 1-7-2016 thì thực hiện theo Quyết định 115/2014/QĐ-BCN. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước phải được thử nghiệm để được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn quy định một số điều kiện khác nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, đối với ô tô nhập khẩu thì doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không phải đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, đồng thời cũng không nhất thiết phải có “giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Điều này chưa đảm bảo công bằng giữa nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và nhập khẩu. Ngoài ra, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16-7-2014 đã đưa ra giải pháp “Nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định hiện hành về đăng kiểm, kiểm định chất lượng ô tô lúc nhập khẩu và định kỳ là đủ để loại trừ nguy cơ để lọt xe không an toàn cho người tiêu dùng và cho môi trường. Ảnh: MAI LƯƠNG
 
Như vậy, có thể nói việc đề xuất bổ sung thêm ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện là nhằm đồng thời hai mục đích: (i) đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, và (ii) hạn chế ô tô nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, hai mục đích trên có thể thực hiện được bằng những quy định riêng lẻ trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Cụ thể, với mục đích bảo đảm an toàn phương tiện, bảo vệ môi trường, dù là ô tô nhập khẩu, nếu thấy nghi ngờ một dòng sản phẩm nào đó từ một nước, một nhà sản xuất nào đó trên thế giới có chất lượng không đảm bảo cho người tiêu dùng trong nước, gây hại cho môi trường... thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vận dụng các điều luật hiện hành về đăng kiểm và cho lưu thông các phương tiện giao thông, vận tải để yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải tiến hành làm thủ tục đăng kiểm, kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam. Điều này cũng tương tự như việc kiểm nghiệm, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa nhập khẩu để tuân thủ các tiêu chuẩn chuyên ngành của Việt Nam, mà không nhất thiết phải quy định thêm các điều kiện để doanh nghiệp được nhập khẩu ô tô.

Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm quy định các điều kiện chung về nhập khẩu ô tô và giám sát xem các điều kiện này có được tuân thủ bởi doanh nghiệp hay không mà không tập trung vào việc đăng kiểm, kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu, trước khi cho xe lưu hành thì vẫn sẽ có rủi ro là doanh nghiệp nhập khẩu tuy đủ điều kiện để nhập khẩu ô tô nhưng lại cố tình nhập khẩu những loại xe không đảm bảo an toàn, kém chất lượng.

Nói cách khác, chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định hiện hành về đăng kiểm, kiểm định chất lượng ô tô lúc nhập khẩu và định kỳ là đủ để loại trừ nguy cơ để lọt xe không an toàn cho người tiêu dùng và cho môi trường.

Chuyển sang mục đích thứ hai, bảo vệ thị trường ô tô trong nước. Mục đích này cũng hoàn toàn có thể thực hiện được trong khuôn khổ các quy định hiện hành mà không nhất thiết phải ra thêm điều kiện để làm khó nhà nhập khẩu. Chẳng hạn, nếu thấy nhập khẩu ô tô từ một nước nào đó, trong một số chủng loại nào đó có xu hướng tăng bất thường, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì các cơ quan chức năng có thể vận dụng các điều khoản về thuế quan ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương hiện tại để điều chỉnh tăng thuế suất hoặc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nếu có lý do chính đáng để hạn chế nhập khẩu ô tô thuộc các chủng loại và nước xuất xứ này.

Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm vào quy định thêm các điều kiện để làm khó nhà nhập khẩu một cách phổ quát thì sẽ có khả năng vấp phải sự phản đối, kiện cáo của các nước đối tác, các doanh nghiệp xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, chí ít thì cũng để lại hậu quả là có sự trả đũa với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác này.

Thêm nữa, nếu cứ nhất định áp thêm các điều kiện cho ngành nghề này, mà cụ thể là cho việc nhập khẩu ô tô, thì không những hạn chế quyền tự do kinh doanh, nhập khẩu (mua hàng từ nước ngoài) của doanh nghiệp và cá nhân với những sản phẩm không thuộc diện cấm, hạn chế nhập khẩu như ô tô, mà còn mở đường cho việc “bán” giấy phép của cơ quan chức năng, như thường thấy với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác dưới vỏ bọc vì quyền lợi của số đông mà thực chất chỉ mang tính trói buộc, cản trở chứ không có mấy tác dụng trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi.

Tóm lại, việc bổ sung thêm ngành, nghề sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô thành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với mục tiêu vừa bảo đảm an toàn, vừa hạn chế nhập khẩu là vừa thừa, vừa thiếu, và thậm chí còn gây ra những hậu quả không mong muốn.
Nguồn: Thesaigontimes
Quảng cáo sản phẩm