Dệt may: Mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2009

05/02/2009 12:00 - 1170 lượt xem

Trong năm 2008, 3 thị trường chiến lược của ngành dệt may Việt Nam đều rơi vào khủng hoảng, dẫn tới thu hẹp thị trường nhập khẩu. Riêng trong quý 4/2008, đơn hàng từ Mỹ đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hàng hóa dư thừa của các nước sản xuất lớn như trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh lấn sang Việt Nam. Trong bối cảnh đó, với nỗ lực không ngừng, ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng trên 18% so với năm 2007, là quốc gia duy nhất có tăng trưởng XK vào Mỹ ở mức 2 con số và đạt tổng kim ngạch XK cả năm trên 9,1 tỷ USD. Ông Lê Tiến Trường- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex)- khẳng định, qua những khó khăn của năm 2008, chúng ta tự tin hơn về khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam, bởi nếu dệt may Việt Nam không có nội lực và khả năng cạnh tranh tốt thì không thể đạt mức tăng trưởng đó.

Bước sang năm 2009, ngành dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi cơn bão khủng hoảng tài chính diễn ra trên toàn cầu: nhu cầu của các nước phát triển về dệt may giảm 15% các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, do ảnh hưởng của kinh tế suy giảm, phân khúc cao cấp bị ảnh hưởng lớn, cùng đó là cạnh tranh về giá với các nước Trung Quốc, Ấn Độ… Ước tính, trong quý I năm nay, đơn hàng của các công ty dệt may có vốn đầu tư nước ngoài giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của Vinatex, kim ngạch XK dệt may quý I sẽ giảm 15% so cùng kỳ năm trước.

Trước mắt, để ngành dệt may tạm thời thoát khỏi tình trạng khó khăn, Vinatex đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các DN của ngành thông qua 3 gói hỗ trợ. Theo đó, gói đầu tiên sẽ dành cho người lao động, cấp cho DN dựa trên thành tích xuất khẩu. Gói này sẽ trích 1% kim ngạch xuất khẩu để giải quyết tài chính cho người lao động trong các xí nghiệp dệt may đang gặp khó khăn và có nguy cơ đóng cửa. Gói thứ hai trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng, dành hỗ trợ DN bằng cách bù lãi suất vay ngân hàng và gói thứ ba khoảng 50 tỷ đồng dùng cho hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại ở những thị trường mới.

Ông Lê Tiến Trường cho rằng, để đứng vững và đạt mục tiêu XK 9,5 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn của năm 2009, các DN dệt may Việt Nam cần thực hiện tối ưu hóa các hoạt động, tiết kiệm cao để duy trì được vị trí trên các thị trường; rà soát, cân nhắc đánh giá từng dự án đầu tư, chỉ duy trì các dự án mang tính chiến lược phục vụ phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mạ, mở rộng ra các thị trường phi truyền thống như Trung Đông, Đông Âu, châu Phi nhằm giảm rủi ro do quá phụ thuộc vào một vài thị trường, khách hàng. Trong sản xuất, các DN cần tập trung đầu tư theo hướng nâng cao năng suất, đưa các biện pháp quản lý, đo lường năng suất vào áp dụng, triển khai rộng rãi mô hình sản xuất tinh gọn trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp may.

Nguồn: http://www.tinthuongmai.vn
Quảng cáo sản phẩm