Dệt may ứng phó với yếu tố bất định mang tên “Trump”

10/03/2017 12:00 - 2496 lượt xem

(TBKTSG) - Ngoài việc tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ còn đang có kế hoạch áp thuế biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Vậy các doanh nghiệp đánh giá như thế nào về diễn biến thương mại sắp tới và những biện pháp mà họ đang thực hiện?

Ác mộng thuế biên giới
Kể từ khi tranh cử cho tới lúc nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tuyên bố sẽ áp thuế mạnh đối với hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài và bán tại thị trường Mỹ như là một biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. Loại thuế mà chính quyền ông Trump dự kiến sử dụng là thuế biên giới đánh vào hàng hóa nhập khẩu với mục đích thu hẹp thâm hụt thương mại và làm cho hàng hóa trong nước trở nên cạnh tranh hơn.

Theo các chuyên gia, những nước chịu thiệt hại lớn về mặt kinh tế từ thuế biên giới của Mỹ là những nước mà hàng hóa của họ dễ bị thay thế khi giá tăng.

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, các chuyên gia kinh tế từ Deutsche Bank cho hay, Mexico sẽ là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất nếu Mỹ áp dụng mức thuế biên giới lên tới 20% như tuyên bố ban đầu. Các quốc gia khác là Việt Nam, Canada, Malaysia và Thái Lan cũng sẽ phải chịu thiệt hại nhiều về kinh tế vì đây là những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Hiện nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất hàng dệt may của nước ta, với kim ngạch thu về khoảng hơn 11 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu ngành dệt may. Như vậy, nếu Mỹ áp thuế biên giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành dệt may trong nước.
Nếu Tổng thống Trump áp dụng thuế biên giới thì Việt Nam bị thiệt hại lớn vì chúng ta không có biện pháp đối trọng đủ sức ảnh hưởng là áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ quốc gia này.



Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay hiện nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường này hàng năm rất thấp. Vì vậy, nếu Tổng thống Trump áp dụng thuế biên giới thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại lớn vì chúng ta không có biện pháp đối trọng đủ sức ảnh hưởng là áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ quốc gia này.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và xuất khẩu được hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ buộc phải nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí hoặc nếu không thể trụ lại được thì có thể tìm kiếm thị trường khác có tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu, nơi mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Thực tế, thị trường EU vẫn còn rất tiềm năng khi hàng dệt may Việt Nam chỉ đứng ngoài tốp 10 nước xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này.

Một doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu cho hay, việc áp thuế biên giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty ông nhưng nhìn rộng hơn, chi phí này không chỉ công ty gánh chịu mà cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải chịu. “Liệu họ có chịu đựng được mức giá mới, cao hơn rất nhiều mức giá hiện tại, là việc cần phải bàn”, vị này nói và cho hay khi đó, vì lợi ích quốc gia, có thể ông Trump sẽ phải suy nghĩ lại hoặc chính sách này cũng có thể bị người dân phản đối như là chính sách cấm người nhập cư gây tranh cãi vừa qua.

TPP vẫn là ẩn số?
Liên quan đến việc Mỹ rút khỏi TPP, theo ông Cẩm, nhìn về dài hạn, sẽ là một bất lợi đối với ngành may mặc vì kỳ vọng giảm thuế suất về 0%, từ mức 17,5% hiện nay, đã không còn. Hơn nữa, ngành dệt may khó có thể thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào khâu thượng nguồn như bông, sợi, dệt, nhuộm, nếu không có TPP.

Song, để nói việc Mỹ rút khỏi TPP ảnh hưởng tiêu cực và ngay lập tức tới thị trường dệt may trong nước thì chưa có. Thực tế, để hưởng mức thuế 0%, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa. “Hiện nay, nội lực các doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa được hưởng lợi nhiều như mong muốn khi vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu của những nước ngoài TPP”, ông Cẩm nói và đưa ra dự đoán, có thể vài năm nữa, khi các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào khâu nguyên phụ liệu thì khi đó có TPP sẽ tốt hơn.

Có cái nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên, cho hay: “Ngành dệt may đã nhiều năm chấp nhận cạnh tranh với các nước mà không có sự bảo hộ nào của Nhà nước thì chúng tôi tin rằng ngành dệt may sẽ tìm được bước đi thích hợp trước thử thách này”. Thực tế, người Mỹ sản xuất rất ít hàng may mặc, dù muốn sản xuất thì cũng không thể cạnh tranh được hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Dương, không loại trừ khả năng Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm dệt may Trung Quốc và cả Việt Nam. Với động thái này hàng hóa vào Mỹ sẽ đắt hơn trước và người tiêu dùng sẽ mua sắm ít đi. Ngoài ra, các nước có tiềm lực lớn về dệt may như Ấn độ, Bangladesh, Myanmar đang phát triển hàng may mặc hướng mạnh tới xuất khẩu. Họ sẽ là đối thủ cạnh tranh chính với hàng dệt may Việt Nam do chi phí lao động ở những nước này chỉ bằng một nửa chi phí lao động tại Việt Nam. Do đó nhiều khả năng khách hàng Mỹ sẽ tìm tới nguồn cung này.

Theo ông Dương, để ứng phó với những yếu tố bất định thời Tổng thống Trump, May Hưng Yên ngoài việc phải tăng năng suất thông qua việc đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường quản trị doanh nghiệp, còn phải tính tới việc đa dạng hóa thị trường mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại.

Ông Dương cũng kiến nghị Nhà nước nên giảm tốc độ tăng lương hàng năm và các khoản phí như bảo hiểm, công đoàn, môi trường, giao thông, bến bãi, chi phí vốn vay để giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp ở các nước khác.
Hiện tại, theo các doanh nghiệp, TPP vẫn là một ẩn số vì nó chưa hoàn toàn chấm hết.

Nguồn: Thesaigontimes
Quảng cáo sản phẩm