DN nên khẩn trương liên hệ với nước NK để nắm bắt cơ chế C/O và xin mẫu AJ

18/12/2008 08:53 - 1103 lượt xem

Kể từ ngày 1/12/2008, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) chính thức có hiệu lực tại Nhật Bản và một số nước ASEAN (trong đó có Việt Nam). Mới đây, tại Hội thảo phổ biến về Hiệp định AJCEP và Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu AJ cho hàng hóa được hưởng các ưu đãi về thuế quan, ông Hồ Quang Trung - Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc khai thông “cánh cửa” này là cơ hội để mặt hàng nông thủy sản Việt Nam thêm khả năng “chinh phục” thị trường khó tính với nhiều có nhiều ràng buộc về tiêu chí xuất xứ, đáp ứng tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn theo ông Lê Quang Lân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương): Hiệp định AJCEP là hiệp định toàn diện, chứa đựng các quy tắc căn bản về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và các hoạt động hợp tác kinh tế khác. Trong đó, quan trọng nhất là các cam kết về lộ trình giảm thuế, tiến tới loại bỏ phần lớn thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN và Nhật Bản.

Tuy nhiên, cơ chế cam kết Hiệp định AJCEP khá phức tạp nên cần có sự nghiên cứu kỹ càng và chặt chẽ, do vậy, các DN XK vào thị trường này cần lưu ý rằng: Việt Nam sẽ sớm ban hành văn bản pháp lý thực hiện cam kết giảm thuế và có hiệu lực hồi tố từ 1/12/2008, nên khẩn trương liên hệ với nước NK để nắm bắt cơ chế C/O và xin mẫu AJ.

Theo cam kết AJCEP, có 7.264/9.111 dòng sản phẩm hàng hóa XK của VN vào thị trường Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/12/2008. Trong đó, có khoảng 4.000 dòng sản phẩm đã được hưởng thuế suất 0% trước khi hiệp định có hiệu lực. Đợt giảm thuế đầu tiên có hiệu lực từ 1/12/2008, các lần cắt giảm thuế hàng năm sẽ thực hiện trong giai đoạn từ 1/4 đến 31/3 năm sau (Tính theo năm ngân sách của Nhật Bản)

Trong vòng 10 năm, Nhật Bản cam kết giảm và loại bỏ thuế quan đối với trên 81% giá trị xuất khẩu nông thuỷ sản. Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu như tôm, cá, cua đông lạnh và chế biến, rau quả nhiệt đới… sẽ hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn nhiều so với mức thuế hiện hành.

Chỉ tính riêng mặt hàng thuỷ sản, 61 mặt hàng chiếm 70% giá trị xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 144 mặt hàng chiếm 83% giá trị xuất khẩu sẽ không còn chịu thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm.

Các thông tin liên quan đến các thủ tục về Quy tắc xuất xứ C/O mẫu AJ triển khai đến DN chậm so với ngày có hiệu lực, tuy nhiên các đơn hàng XK sang Nhật trong giai đoạn có hiệu lực sẽ được hoàn thuế sau này. Ông Trần Bá Cường - Vụ XNK (Bộ Công Thương) lưu ý: Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với mặt hàng tôm, xóa bỏ lộ trình trong vòng 7 năm, đối với mặt hàng bạch tuộc, cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng mực và cá ngừ chế biến… Do vậy, các DN chế biến, XK thủy sản VN cần tập trung xuất khẩu những sản phẩm có sử dụng nguyên liệu trong nước để xuất khẩu sang thị trường này đồng thời cần tính trước bài toán nguyên liệu và nghiên cứu tiêu chuẩn SPS của Nhật…

Cuối tháng 12 này, DN có thể bắt đầu việc xin cấp giấy AJ và nên xem xét kỹ biểu cam kết trên website: http://www.mofa.go.jp/policy/economy/fta/asean/agreement.html


Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Quảng cáo sản phẩm