Doanh nghiệp chủ động ứng phó

02/10/2017 12:00 - 526 lượt xem

Trong khi thủy sản Việt Nam xuất khẩu (XK) vào thị trường Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng bởi chính sách thương mại mới dưới thời Tổng thống Donald Trump thì ngành gỗ và rau quả vẫn đang tăng trưởng khả quan.   

Tôm, cá tra tìm thêm thị trường

Theo các chuyên gia, hai sắc lệnh chống thương mại không công bằng và chống bán phá giá của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành XK của Việt Nam vào thị trường này. Cụ thể với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, từ đầu năm tới nay, XK thủy sản của Việt Nam (trọng tâm là tôm và cá tra) đã có sự sụt giảm đáng kể so với năm 2016. XK cá tra sang thị trường Mỹ trong tháng 8 chỉ đạt 18,44 triệu USD, giảm hơn 58% so với tháng trước. Tính tới giữa tháng 7/2017, XK tôm Việt Nam sang thị trường này cũng chỉ đạt 306,5 triệu USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2016. "VASEP vẫn đang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá, kêu gọi DN sản xuất đúng các tiêu chuẩn của Mỹ và khuyến cáo họ mở rộng sang các thị trường khác để tránh phụ thuộc vào Mỹ" - ông Hòe cho biết. 

Về phía các DN cũng đã có phương án ứng phó thích hợp. Cụ thể như Công ty CP Vĩnh Hoàn đã và đang có kế hoạch giảm dần tỷ trọng XK cá tra sang Mỹ. Công ty CP Hùng Vương (có thị phần cá tra sang Mỹ chiếm khoảng 20% tổng XK) cũng ên kế hoạch mở rộng thị trường mới, dịch chuyển XK sang EU...

Gỗ, rau quả tự tin ứng phó

Trái ngược với thủy sản, ngành sản xuất chế biến và XK gỗ của Việt Nam vẫn đang có mức tăng trưởng ổn định tại thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam - chia sẻ, 8 tháng qua, tốc độ tăng trưởng XK của ngành gỗ luôn khả quan, bình quân mỗi tháng Việt Nam XK đạt 650 triệu USD, riêng tháng 8 đạt tới 850 triệu USD. Tính đến đầu tháng 9/2017, ngành gỗ đã đạt trên 5,2 tỷ USD, hiện các DN đã có đủ đơn hàng với giá trị trên 7,8 tỷ USD. Với thị trường Mỹ, trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch XK của Việt Nam luôn tăng trưởng từ 10 - 15%, dự kiến năm nay sẽ đạt kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD. 

Ông Quyền nhìn nhận: Chính sách thương mại mới của Mỹ không ảnh hưởng tới ngành gỗ, bởi Việt Nam bán theo giá FOB tại cảng Việt Nam và DN Mỹ chịu trách nhiệm giải trình khi đưa vào thị trường này. Ngoài ra, ngay từ cuối năm 2016, các DN gỗ đã có chiến lược tìm hiểu, thăm dò các thị trường mới nên nếu có sự thay đổi thì DN vẫn có thị trường khác bù đắp.

Tương tự, ngành rau quả cũng sẽ ít bị tác động nếu các DN của Việt Nam đáp ứng những tiêu chuẩn của Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA- Mỹ). Ông Nguyễn Quốc Duẩn - Giám đốc Công ty TNHH Song Nam (chuyên xuất khẩu trái cây đi Mỹ) - khẳng định, DN này hiện vẫn XK thanh long, xoài… ổn định vào thị trường Mỹ. Lý do được ông Duẩn cho biết, để vào được thị trường này, trái cây Việt Nam đã bị kiểm dịch rất gắt gao, đạt nhiều chứng nhận quốc tế, thêm vào đó DN rất ý thức được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên không bị vướng rào cản nào. 

Từ câu chuyện của ngành gỗ và các DN XK rau quả cho thấy, DN cần thay đổi tư duy sản xuất, vì ở thị trường nào, vẫn phải bảo đảm chất lượng vì xu hướng tiêu chuẩn hàng hóa đã thay đổi. Khi đã làm tốt, chất lượng ổn định, sẽ không có rào cản nào mà chúng ta không bước qua được.
Nguồn: Báo Công thương
Quảng cáo sản phẩm