Doanh nghiệp dệt may xuất khẩu - Nỗ lực duy trì sản xuất

29/12/2008 12:00 - 1118 lượt xem

Chỉ sau 1 tháng, tình hình xuất khẩu dệt may (DM) của các doanh nghiệp (DN) DM Việt Nam (VN) có dấu hiệu xấu hơn.

Số lượng đơn hàng, giá gia công đã giảm bình quân 20%-30%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 20%-30% công nhân ngành DM sẽ thất nghiệp, đồng thời, ngành DM sẽ khó “chạm” tới gói kích cầu 6 tỷ USD của Chính phủ đưa ra để giải quyết khó khăn.

Đây là những thông tin được các DN DM đưa ra tại buổi làm việc của Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM ngày 25-12.

Đơn hàng, giá bán giảm mạnh

Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM (AGTEK) nhận định, với diễn biến ngày càng xấu đi và phức tạp của suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu (XK) DM VN sẽ giảm mạnh, ít nhất là trong nửa đầu năm 2009. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 57% tổng thị phần XK của hàng DM VN, sẽ có sự sụt giảm mạnh và nhanh nhất.

Tại thị trường châu Âu, các đơn hàng xuất sang Pháp, Tây Ban Nha, Đức cũng giảm sút mạnh. Chỉ có một số thị trường phân khúc nhỏ tại các nước Bắc Âu và Thụy Sĩ còn tương đối tốt.

Thị trường Nhật Bản cũng đang giảm theo xu hướng chung, nhưng với việc được giảm thuế nhập khẩu 0% cho hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ từ ASEAN, DM VN có thể tận dụng thời cơ để gia tăng thị phần vào đây. Tuy nhiên, DN phải chủ động thay đổi tiêu chí xuất xứ để đáp ứng đòi hỏi khá cao của thị trường Nhật.

Trước khó khăn hiện nay, nhiều DN DM TPHCM đã mở rộng và tiếp cận được một số thị trường mới, tiềm năng như Nga, Trung Đông, châu Phi. Đặc biệt, thị trường Nga được xem khá dễ tính và có nhiều tín hiệu khả quan cho DM VN.

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, có nhiều DN vẫn đảm bảo được đơn hàng và giá bán. Tình hình chung tại các DN lớn, đơn hàng giảm khoảng 20%, giá gia công cũng giảm 10%-20%. Các DN gặp khó khăn hơn, mức giảm của đơn hàng là 30%-50%. Có DN sẵn sàng nhận giá gia công giảm 50% so với đơn giá trước. Nhiều DN bày tỏ, sẽ không đặt mục tiêu doanh thu, phát triển trong năm 2009, trước tiên phải tìm cách để tồn tại.

Tuy tình hình tài chính, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao nhưng hầu hết các DN DM đều cam kết sẽ đảm bảo mức lương thưởng tháng 13 cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Tùy theo tình hình tài chính của từng DN, mức thưởng sẽ có sự điều chỉnh giảm so với năm trước. Đây cũng là điều các DN mong muốn người lao động hiểu để cùng chia sẻ.

Về vấn đề lao động DM, các DN cho rằng, lao động DM sẽ không dư thừa, dù có nhiều lao động bị mất việc khi có nhiều DN DM nước ngoài đóng cửa trong thời gian qua, do lượng công nhân này sẽ bù đắp cho những DN thiếu lao động.

Hơn nữa, các DN cho biết, hiện nay người lao động không gắn bó với nghề may và lao động trong nước đang bị cạnh tranh gay gắt khi người lao động có xu hướng muốn đi XK lao động.

Trên thực tế, vẫn có nhiều DN DM thiếu lao động, việc tuyển dụng không dễ. Với nhiều DN, giai đoạn này sẽ tạo điều kiện để DN sàng lọc bớt những lao động kém tay nghề, tuổi cao. Giữ chân người lao động là một trong những chính sách quan trọng của DN DM. Do vậy, dù khó khăn, DN cũng cố gắng đảm bảo mức lương thưởng tết cho công nhân.

Các giải pháp để tồn tại

Các DN ngành DM quan tâm khá nhiều đến gói kích cầu 6 tỷ USD của Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, giải pháp kích cầu này vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể và điều này đang tạo ra một mối lo ngại lớn cho DN DM.

Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK dệt may Long An bày tỏ, nếu gói kích cầu này chỉ dành 20% cho các DN vừa và nhỏ thì DN DM khó mà chạm đến được. Vì theo “định nghĩa” của DN vừa và nhỏ, với tiêu chuẩn vốn dưới 10 tỷ đồng mới nhận được sự hỗ trợ thì không hiệu quả.

Vì thực tế hiện nay, để nâng cao năng lực sản xuất các DN phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất và như vậy phần lớn các DN DM đều “vươn tầm” ra khỏi tiêu chí 10 tỷ đồng. Trường hợp đáp ứng được tiêu chí dưới 10 tỷ thì lại rơi vào các DN rất nhỏ.

Trong khi đó, các DN này lại không có thị trường để XK như các DN lớn. Chính phủ cần phải xác định lại khi đưa ra điều kiện cho gói kích cầu này.

Đi cùng với việc giảm đơn hàng, giá bán, giá gia công, DN còn đối mặt với việc chậm trễ thanh toán, đột ngột giảm đơn hàng từ nhà nhập khẩu. Đây đang là một mối lo lớn của DN trong việc hoàn tất hồ sơ thanh khoản thủ tục thuế quan.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn bức xúc: “Là một DN XK lớn có uy tín nên mới được cho ân hạn 275 ngày (chu kỳ xuất nhập 9 tháng) nhưng nhiều khi phải dở khóc dở cười vì rơi vào vi phạm ân hạn thuế này. Chúng tôi không thể lường trước được những bất trắc, nảy sinh từ phía đối tác. Nếu đối tác không trả tiền đúng hạn thì làm sao chúng tôi hoàn tất hồ sơ? Hải quan nên có một chính sách uyển chuyển, hiểu cho cái khó của DN trong việc này. Nếu làm được, đây sẽ là một hỗ trợ tích cực của Nhà nước cho DN XK trong thời điểm khó khăn hiện nay”.

Cũng như DN của các ngành nghề khác, DN DM kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách giãn thuế, giảm thuế cho DN. Trong đó, DN DM mong muốn giảm phí công đoàn (2%) xuống còn 1% cho ngang bằng với DN DM vốn đầu tư nước ngoài, hoặc tạm thời chuyển mức phí trên cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đời sống người lao động.

Nguồn: www.phapluattp.vn

 

Quảng cáo sản phẩm