EC đề xuất thay đổi pháp luật điều tra chống bán phá giá của châu Âu

16/11/2016 12:00 - 1210 lượt xem

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đệ trình dự thảo phương pháp mới để tính toán biên độ phá giá cho các nước xuất khẩu mà ở đó có sự bóp méo thị trường đáng kể, hoặc Nhà nước có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.
 
Mục đích của phương pháp này nhằm đảm bảo rằng các biện pháp phòng vệ thương mại của EU đủ khả năng đối phó với tình trạng dư thừa (overcapacity) hiện nay trong thương mại quốc tế, mà vẫn đảm bảo tuân thủ đúng các nghĩa vụ cam kết của EU trong khuôn khổ pháp lý của WTO. Vấn đề dư thừa, đặc biệt trong ngành thép, là một vấn đề đau đầu với EU trong thời gian gần đây, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa, dẫn tới lao động mất việc làm và nhiều nhà máy phải đóng cửa.
 
Dự thảo mới của EC cần được nhìn nhận, đánh giá trong bối cảnh vào tháng 10 năm 2016 Hội đồng Châu Âu đã kêu gọi việc xây dựng một thỏa thuận khẩn cấp và cân bằng về lập trường của Hội đồng trong việc hiện đại hóa một cách toàn diện các công cụ phòng vệ thương mại vào cuối năm 2016. Bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và được đính kèm với một bản đánh giá về tác động ảnh hưởng của phương pháp. Trước đó, vào năm 2013, EC cũng đã đề xuất về việc hiện đại hóa các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), trong đó việc cải cách phương pháp tính toán chống bán phá giá là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, dự thảo mới này không thay thế dự thảo 2013, do dự thảo 2013 nhằm hợp lý hóa các quy trình và cho phép EU áp thuế cao hơn trong một số trường hợp, còn dự thảo mới này được đánh giá là trung lập với các quốc gia, đối xử bình đẳng, không phân biệt quốc gia có nền kinh tế thị trường (KTTT) và phi thị trường.
 
Phương pháp tính toán mới này sẽ áp dụng cho tất cả các vụ việc được khởi xướng một khi quy định sửa đổi có hiệu lực. Bản đề xuất cũng quy định một giai đoạn chuyển đổi mà cho phép các biện pháp PVTM đang có hiệu lực cũng như các vụ việc điều tra đang diễn ra tuân thủ theo các quy định hiện hành của EU.
 
Theo quy định hiện hành, trong điều kiện thị trường thông thường, biên độ phá giá được tính toán bằng cách so sánh giữa giá xuất khẩu của sản phẩm vào EU với giá bán nội địa hoặc chi phí của sản phẩm ở nước xuất khẩu. Cách tiếp cận này sẽ được giữ nguyên và được bổ sung bởi phương pháp mới, theo đó đối xử trung lập với tất cả các quốc gia, tức là sẽ áp dụng như nhau với tất cả các Thành viên WTO và sẽ tính đến sự bóp méo thị trường đáng kể tại một số quốc gia do sự ảnh hưởng của Nhà nước trong nền kinh tế. Các thành viên WTO sẽ không còn bị liệt kê vào danh sách các nước thuộc đối tượng bị áp dụng phương pháp “nước thay thế” (analogue country) nữa. Cách tiếp cận này cũng được áp dụng cho cả các nước có nền kinh tế phi thị trường mà không phải là thành viên WTO.
 
Có một vài tiêu chí sẽ được đưa ra xem xét để xác định sự bóp méo thị trường, như chính sách và sự ảnh hưởng của Nhà nước, sự hiện diện rộng rãi của các doanh nghiệp nhà nước, sự phân biệt đối xử có lợi cho các công ty nội địa và sự độc lập của lĩnh vực tài chính. EC sẽ dự thảo các báo cáo chi tiết cho các quốc gia hoặc các ngành mà EC xác định là có sự bóp méo. Ngành sản xuất nội địa EU khi nộp đơn kiện có thể dựa vào các báo cáo này để xây dựng đơn kiện.
 
Báo cáo của EC về đánh giá tác động của phương pháp cho thấy rằng phương pháp mới này sẽ cho mức thuế chống bán phá giá công bằng hơn so với hiện tại.
 
Phương pháp mới này sẽ đảm bảo rằng EU tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình, đảm bảo sự hiệu quả các công cụ PVTM của EU và tiếp tục tăng cường các công cụ này, trong khi vẫn duy trì mức lao động hiện tại.
 
Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom bình luận: “Dự thảo này quan trọng vì nó có nghĩa là EU đang tuân thủ theo các cam kết WTO. Phương pháp này là một phương pháp trung lập và không công nhận ‘kinh tế thị trường’ cho bất kỳ quốc gia nào. Dự thảo này một khi được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, sẽ đảm bảo rằng các công cụ PVTM của EU được áp dụng để đối phó với các thách thức mới cũng như các thực trạng về pháp lý và kinh tế. Chúng tôi cũng duy trì một mức bảo hộ công bằng”.
 
Ngoài ra, EC cũng đề xuất tăng cường quy định pháp luật về chống trợ cấp trong các vụ việc trong tương lai, theo đó, bất cứ chương trình trợ cấp mới nào được phát hiện trong quá trình điều tra cũng có thể bị điều tra và bị tính gộp vào mức thuế suất áp dụng cuối cùng.
 
Nghị viện châu Âu đã thông qua báo cáo đầu tiên về dự thảo và EC hy vọng Hội đồng Châu Âu sẽ nhanh chóng vượt qua được sự khác biệt trong quan điểm để tiến tới thông qua dự thảo. Hội đồng Châu Âu sẽ giải quyết vấn đề này vào thứ Sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2016.
Nguồn: Bộ Công thương
 
Quảng cáo sản phẩm