EU áp thuế lên giày mũ da Việt Nam: Khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ

06/12/2006 12:00 - 1531 lượt xem

Một lần nữa, các doanh nghiệp phải sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp với tình hình sau khi EU đưa ra mức thuế chống phá giá mới đối với sản phẩm giày mũ da và giày trẻ em của Việt Nam.

 

 

Vẫn chưa thấy đơn hàng

Theo ông Nguyễn Bảo Thọ - giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu da giày Sài Gòn, mức thuế EU vừa công bố dù có thấp hơn dự kiến nhưng vẫn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất giày mũ da. Với 10% thuế chống phá giá, cộng với mức thuế hiện hành khi nhập khẩu vào EU thì sản phẩm giày mũ da Việt Nam sẽ phải chịu thuế trung bình hơn 14%.

“Vì thuế đánh trực tiếp lên nhà nhập khẩu, và đơn đặt hàng lại do các nhà nhập khẩu quyết định nên việc nhà sản xuất cũng phải chia sẻ thuế với phía đặt hàng là điều khó tránh khỏi” - ông Thọ nói.

Nhà sản xuất phải “gánh” bao nhiêu còn tùy thuộc khả năng đàm phán của từng doanh nghiệp.

Với mức thuế mới, trong thời gian tới có thể xuất hiện những “ngã rẽ” giữa nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Nếu tình hình thuận lợi, nhà nhập khẩu EU tiếp tục đặt hàng, mức giảm không đáng kể. Tình huống xấu hơn là ít đơn hàng, có khi doanh nghiệp Việt Nam phải gánh phần lớn mức thuế đó.

“Nếu mình không chấp nhận thì không có hàng để làm”, ông K. - giám đốc Công ty cổ phần giày S - khẳng định. Còn trước mắt, như trường hợp của Công ty TNHH giày Liên Phát, vẫn chưa có động tĩnh gì của khách đặt hàng.

Giám đốc Trương Thị Thúy Liên cho biết: “Chúng tôi vẫn đang làm nốt các đơn hàng của năm 2006, còn đơn hàng giao đầu năm 2007 thì rất ít”. Tình hình này cũng diễn ra với Công ty cổ phần giày Hải Dương, giám đốc Nguyễn Văn Vinh âu lo: “Cứ như thế này không biết lấy đâu ra việc cho công nhân làm”…

Càng nhỏ càng khó

Ông Nguyễn Gia Thảo, chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), nhấn mạnh: mọi quyết định áp thuế chống phá giá vào ngành da giày Việt Nam đều không công bằng, không phản ánh đúng thực tế sản xuất và xuất khẩu giày da ở Việt Nam.

Ông Thảo cũng cho biết đã gửi sang Ủy ban châu Âu (EC) công văn khiếu nại về việc doanh nghiệp Việt Nam không đồng tình với mức thuế này và đề nghị EU sớm xem xét lại mức thuế đã áp đặt vô lý trong thời gian sớm nhất.

Cũng theo các chuyên gia, thiệt hại của việc EU áp thuế còn tùy thuộc qui mô sản xuất và chủng loại hàng mà doanh nghiệp sản xuất. Với những doanh nghiệp chỉ làm giày cấp thấp, lãi ít thì không đủ sức để cùng “gánh” thuế với nhà nhập khẩu vì giá gia công giày cấp thấp thường được chào ở mức “sàn”. Số doanh nghiệp này cùng với những doanh nghiệp chậm cải tiến về mặt mẫu mã, chuyên làm hàng “chợ” sẽ khó có thể tồn tại.

Riêng với các doanh nghiệp có qui mô lớn, nhờ nhận được các đơn hàng sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, có mức lãi cao nên đủ sức để cùng chia sẻ thuế chống bán phá giá với nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, dù lớn hay nhỏ thì các nhà sản xuất giày của Việt Nam đều rút ra bài học “xương máu” là nếu muốn duy trì thị trường châu Âu thì phải đầu tư nhiều hơn cho thiết bị, công nghệ và mẫu mã. Theo các doanh nghiệp, mức thuế 10% EU đưa ra có hiệu lực trong vòng hai năm, đó là khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp điều chỉnh lại sản xuất cho phù hợp. Vì vậy ngay lúc này, dù còn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc “lột xác” để tồn tại.

Trong rủi có may

Tuy nhiên trong cái rủi có cái may. Theo các chuyên gia, ngành da giày Việt Nam vẫn trụ được bất kể việc bị áp thuế trong hai năm tới, đó là nhờ EU đã đưa ra hai mức thuế khác nhau, 10% cho Việt Nam và 16,5% cho sản phẩm của Trung Quốc. Chênh lệch về thuế lên đến 6,5% là một con số đáng kể để các nhà nhập khẩu phải tính toán khi quyết định đặt hàng.

Theo bà Trương Thị Thúy Liên, trước đây khi thuế nhập khẩu vào thị trường EU của Việt Nam và Trung Quốc như nhau thì gần như doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc. Nay Trung Quốc chịu thuế suất cao hơn, giá nhân công cũng cao hơn nên về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp Việt Nam chưa hẳn đã mất đi lợi thế, kể cả trường hợp Trung Quốc chủ động được nguồn nguyên liệu, vốn là một lợi thế rất lớn để giảm giá thành sản phẩm.

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Da giày Tp.HCM, so với Thái Lan và Campuchia, với mức thuế mới bị áp đặt thì giày da từ Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn để giữ chân khách hàng, đặc biệt là những thương hiệu lớn hoặc những nhà nhập khẩu chuộng chất lượng. Ít có khả năng các nhà nhập khẩu chuyển sang đặt hàng của Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines thay cho Việt Nam hoặc Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, việc áp thuế cũng đã làm tổn thương ngành da giày Việt Nam. Theo phân tích của ông Kiệt, trước hết lợi nhuận của nhà sản xuất bị giảm, ảnh hưởng đến tái đầu tư, nâng cấp công nghệ và đặc biệt là gây khó khăn cho việc nâng cao đời sống của người lao động.

Bên cạnh đó, do giá bán lẻ tăng lên, cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức mua của người dân khu vực EU. Một khi tình hình này xảy ra, thị trường bị thu hẹp, có khả năng xảy ra tình trạng cạnh tranh giảm giá để có đơn hàng giữa những doanh nghiệp sản xuất da giày.

Theo Tuổi Trẻ

Quảng cáo sản phẩm