EU cải cách các quy định về chống bán phá giá và chống trợ giá

18/12/2016 12:00 - 1057 lượt xem

BNEWS.VN Sau ba năm thương lượng, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/12 đã nhất trí cải cách các quy định về chống bán phá giá và chống trợ giá.

Cải cách cho phép khối này có thể áp các mức thuế cao hơn lên hàng nhập khẩu, động thái được nhìn nhận sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữaEU với Trung Quốc. 

Bộ trưởng Thương mại Slovakia, nước đang là Chủ tịch luân phiên EU, ông Peter Ziga, nhận định đây là một đột phá quan trọng, bởi EU cần phải bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt trong việc chống bán phá giá.

Trước đó, Anh và Thụy Điển từng phản đối việc siết chặt quy định thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ, cho rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất ô tô tại châu Âu và châm ngòi cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại. 

Quyết định siết chặt quy định về thuế của EU được nhìn nhận là tín hiệu mừng đối với các nhà sản xuất thép châu Âu đang điêu đứng vì giá thép lao dốc do nguồn cung dư thừa mà nguyên nhân hàng đầu là Trung Quốc và thép nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường.

Theo "quy tắc thuế thấp hơn", thuế nhập khẩu không được vượt quá mức cần thiết để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp của EU và quy định này sẽ được đình chỉ. 

Căng thẳng giữa EU và Trung Quốc bùng phát sau khi Ủy ban châu Âu và Mỹ vẫn chưa công nhận Trung Quốc là "nền kinh tế thị trường", đồng thời khẳng định tiếp tục duy trì các biện pháp chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 12/12 đã quyết định khiếu nại EU và Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới liên quan đến vấn đề trên.
Nguồn: TTXVN
Quảng cáo sản phẩm